Siết chặt xuất khẩu chip

Theo thông báo của Nhà Trắng vào ngày 13/01/2025, việc bán chip cho 18 đồng minh của Hoa Kỳ sẽ không bị hạn chế và các biện pháp kiểm soát sẽ không áp dụng cho các đơn đặt hàng chip dưới ngưỡng tính toán nhất định.

Các quy định mới cũng nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp trên toàn thế giới tuân thủ các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ ngày công bố.


Theo các hạn chế được đề xuất, các thực thể nằm ngoài các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ có thể tiếp tục mua tối đa 50.000 đơn vị xử lý đồ họa tiên tiến (GPU) cho mỗi quốc gia.

Chính sách mới bổ sung vào danh sách các biện pháp hạn chế của Hoa Kỳ hiện đang được áp dụng để ngăn chặn các quốc gia đối địch sử dụng AI tiên tiến để hiện đại hóa quân đội của họ. Vào tháng 11 năm 2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã triển khai Quy tắc về Chip máy tính tiên tiến, cho phép Nvidia và các công ty khác chỉ bán phiên bản chip ít mạnh hơn tại Trung Quốc.

Nhưng điều đó không ngăn chặn hoàn toàn việc tiếp cận các công nghệ này.

Vào tháng 8, một cuộc điều tra của tờ New York Times phát hiện ra rằng một mạng lưới các công ty đã tìm ra cách lách lệnh cấm. Nhóm này đang bán chip tiên tiến nhất của Nvidia cho các nhóm có liên kết với Nhà nước Trung Quốc.

Chính quyền Biden đã thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước bằng các khoản giảm thuế và trợ cấp.


Nvidia dự kiến bị ảnh hưởng lớn bởi lệnh siết chặt xuất khẩu chip của Mỹ

Phản ứng dữ dội từ các nhà sản xuất

Hai gã khổng lồ công nghệ Nvidia, nhà cung cấp bộ vi xử lý lớn nhất thế giới hỗ trợ AI, cùng Oracle cũng như một tập đoàn có ảnh hưởng trong ngành công nghiệp bán dẫn, đã chỉ trích những hạn chế mới nhất, cáo buộc chính quyền Biden lạm quyền và nói rằng chúng sẽ gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ.

Trong bài đăng trên blog được công bố hôm thứ 2, Ned Finkle, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ của Nvidia, đã viết rằng việc áp dụng AI trên toàn thế giới sẽ thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra cơ hội cho các ngành công nghiệp trong và ngoài nước.

“Tiến trình toàn cầu đó hiện đang bị đe dọa. Chính quyền Biden hiện đang tìm cách hạn chế quyền truy cập vào các ứng dụng điện toán chính thống bằng quy tắc 'Truyền bá AI' chưa từng có và sai lầm, đe dọa làm chệch hướng đổi mới và tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới”, ông viết.

Ông nói thêm: "Mặc dù được ngụy trang dưới vỏ bọc là biện pháp 'chống Trung Quốc', nhưng những quy tắc này sẽ không giúp tăng cường an ninh cho Hoa Kỳ".

Doanh thu từ Trung Quốc và Hồng Kông chiếm 15% doanh số của công ty, tương đương 5,4 tỷ USD, trong ba tháng kết thúc vào ngày 27/10/2024. Nvidia đã tạo ra phần lớn hoạt động kinh doanh của mình, 42%, tại Hoa Kỳ trong quý đó.

Tuần trước, Phó chủ tịch điều hành của Oracle, Ken Glueck cho rằng: "Quy định này góp phần tạo nên sự vượt quá thẩm quyền quản lý hơn là bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ cũng như các đối tác và đồng minh của chúng tôi”.

Tuần trước, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn có trụ sở tại Washington cho biết họ rất quan ngại về phạm vi và tính phức tạp chưa từng có của quy định tiềm tàng này, được xây dựng mà không có sự tham gia của ngành và có thể làm suy yếu đáng kể vị thế dẫn đầu và khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ trong công nghệ bán dẫn và hệ thống AI tiên tiến.

Hiệp hội Công nghiệp Máy tính & Truyền thông Mỹ cũng cảnh báo chính sách mới sẽ cản trở khả năng triển khai chất bán dẫn tiên tiến của các công ty Mỹ tại những trung tâm dữ liệu ở nước ngoài.

Đạo luật CHIPS năm 2022 đã cung cấp cho các nhà sản xuất chip của Mỹ gần 30 tỷ USD tiền trợ cấp và một gói hỗ trợ trị giá 280 tỷ USD nhằm hỗ trợ đổi mới công nghệ bán dẫn tại Hoa Kỳ. Intel, Micron, AMD và Microchip Technology là những bên hưởng lợi trực tiếp.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chỉ trích Đạo luật CHIPS và cho rằng chính phủ nên áp dụng thuế quan để khuyến khích các nhà sản xuất chip nước ngoài xây dựng thêm nhà máy tại Hoa Kỳ, một động thái mà ông cho rằng sẽ tạo ra việc làm.

EU và Trung Quốc lo ngại

Quy định mới nhất của Mỹ về việc hạn chế xuất khẩu chip điện toán tiên tiến sử dụng cho trí tuệ nhân tạo cũng đã gây ra những lo ngại từ phía Liên minh châu Âu và Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố cho rằng quy định mới của Mỹ lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia, áp đặt kiểm soát xuất khẩu và vi phạm các quy tắc kinh tế và thương mại đa phương quốc tế. Bắc Kinh khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Liên minh châu Âu cũng bày tỏ quan ngại trước những tác động của quy định này đối với lợi ích kinh tế của hai bên.

Quy định mới về xuất khẩu các chip điện toán tiên tiến sử dụng cho AI vừa được Mỹ công bố hôm qua cập nhật việc kiểm soát chip, yêu cầu phải có giấy phép cho hoạt động xuất khẩu, tái xuất và chuyển giao trong nước. Trong khi đó, các trung tâm dữ liệu AI sẽ cần tuân thủ các thông số bảo mật tăng cường để được phép nhập khẩu chip.

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo khẳng định Mỹ đang dẫn đầu thế giới về AI và thiết kế chip AI, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì vị thế này.

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cũng cho biết, quy định mới sẽ khiến các đối thủ chiến lược gặp thêm khó khăn trong việc trốn tránh những biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Theo ông, chúng này cũng tạo ra "động lực cho bạn bè và đối tác trên toàn thế giới sử dụng các nhà cung cấp đáng tin cậy cho AI tiên tiến".

Các quy tắc mới sẽ có hiệu lực sau 120 ngày, tạo cơ hội cho chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Trump điều chỉnh.

Sau thông báo trên, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố Bắc Kinh sẽ "kiên quyết bảo vệ" lợi ích của mình. EU cũng bày tỏ lo ngại về các biện pháp của Mỹ và nhấn mạnh châu Âu không phải là "mối đe dọa an ninh".

T/h