Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66% (quý I tăng 7,72%; quý II tăng 11,45%), đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số ngành trọng điểm tăng cao: Sản xuất trang phục tăng 23,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,4%; khai thác quặng kim loại, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cùng tăng 11,2%. Có 61 địa phương có chỉ số IIP tăng, riêng tỉnh Hà Tĩnh và Trà Vinh giảm do ngành sản xuất điện giảm[1].

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,2%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2022 tăng 6,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 29,5%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2022 là 78% (bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 92%).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2022 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,8% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,2% và giảm 4,8%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,7% và giảm 0,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,6% và tăng 6,9%.

Theo TCTK