6 tháng đầu của năm
2022 đã trôi qua, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang nỗ lực đẩy
nhanh sản xuất, bù lại khoảng thời gian hai năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch
COVID-19. Sản xuất tại các trung tâm công nghiệp đều đang có dấu hiệu phục hồi
tích cực, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng kinh tế của các địa phương nói
riêng, của cả nước nói chung.
Đồng loạt Tăng tốc ở
các địa phương
Tại Bắc Giang, ông
Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho hay, từ đầu năm đến nay,
tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang đạt 13,92% - mức cao nhất cả nước,
trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 19,32%.
Tại Thanh Hóa, trong
6 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh này tiếp tục tăng
trưởng cao, tiểu thủ công nghiệp và sản phẩm các làng nghề truyền thống phát
triển ổn định, tình hình cấp điện đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; sản lượng
điện thương phẩm tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Mặc dù bị ảnh hưởng
bởi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất và giá nhiên liệu đầu vào duy
trì ở mức cao, song do tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, các sản
phẩm công nghiệp truyền thống vẫn duy trì đà phát triển ổn định; có thêm một số
cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động như: Tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Nghi
Sơn 2; Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu Adiana Thọ Dân, huyện Triệu
Sơn; Nhà máy May xuất khẩu S&D Thanh Hóa tại xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn…,
nên sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng cao.
Chỉ số sản xuất công
nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa ước tăng 18,07% so với cùng
kỳ; một số sản phẩm công nghiệp tăng mạnh như: Điện sản xuất tăng 36,2%, quần
áo may sẵn tăng 38,3%, giày thể thao tăng 31,8%, tinh bột sắn tăng 44,2%, xi
măng tăng 13,9%, sắt thép các loại tăng 12,3%, dầu ăn tăng 17%.
Sự nỗ lực vào cuộc của
Bộ Công Thương
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp trong những tháng tiếp theo và cuối năm, Bộ Công Thương cho biết, sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Công
Thương cũng chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu
thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong
bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao.
Đối với vấn đề thiếu
nguyên liệu cho sản xuất, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ tích cực tìm
kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất,
xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các
nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép... Đồng
thời, hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các DN kết nối với nhà cung cấp nước
ngoài khi được yêu cầu.
Ngoài ra, các Thương
vụ cũng nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các
ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử..., đặc biệt
chú trọng các DN vừa và nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch nhập khẩu.
Tuy nhiên, Bộ Công
Thương cũng cho rằng các doanh nghiệp sản xuất cần đa dạng thị trường nhập khẩu
nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc. Bên cạnh đó,
cần có nhiều hơn các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thị trường
trong nước để từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu. Đây là vấn đề cốt lõi để phát
triển bền vững công nghiệp Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng
lưu ý, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng
tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối
với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam.
Theo PT - BCP