Phan Đăng Hoàng là một
sinh viên triển vọng ngành thiết kế thời trang tại trường NABA Nuova Accademia
di Belle Arti tại Ý. Trước đó, nằm trong dự án “INSIDE VIETNAM” bộ sưu tập "Quintessence" (Tinh hoa), được đánh giá là một trong những bộ sưu tập thời trang
sinh viên tốt nhất trong năm. Vì vậy, Phan Đăng Hoàng được trường lựa chọn để
trình diễn tại Afro Fashion Week, một hoạt động thuộc khuôn khổ tuần lễ thời
trang Milan Xuân Hè 2022.
Tiếp tục khuôn khổ của Tuần lễ thời trang Milan Thu Đông 2022, Afro Fashion
Week, với phần 2 mang tên “ La Peinture” lấy cảm hứng từ sắc màu tranh họa của
cố họa sĩ Lê Phổ, được công chiếu trên Vogue Italia, một lần nữa, chàng trai trẻ
khiến thu hút giới mộ điệu trong nước và truyền thông chính thống.
Ký giả Vnindustry đã có buổi kết nối trò chuyện độc quyền cùng Phan Đăng Hoàng sau khi “La Peinture” vừa kết thúc phát sóng trên Vogue Italia.
Điều gì khiến ngành thời
trang trở nên thú vị theo quan điểm từ bạn?
Thời trang đối với
tôi, đó là ước mơ từ bé, tôi luôn ấp ủ giấc mơ sẽ được đến các kinh đô thời
trang hàng đầu thế như Paris, được cầm những bản thảo minh họa như các bộ phim
kinh điển khắc họa sự quyến rũ về cái đẹp, rong ruổi trong các con phố có các cửa
hiệu buôn bán quần áo xa xỉ, nhìn mọi người chuyển động trong trang phục với
các trải nghiệm đa phong cách.
Một phần, xuất phát điểm
của tôi là tiếp xúc với nghệ thuật hội họa, nhạy cảm với từng mảng sắc màu nên
sức hút về thời trang vốn dĩ khá say mê ngay từ thuở ban đầu.
Hãy cho tôi biết về bản
thân bạn khi tiếp xúc các khóa học thời trang thường ngày tại Milan? Cách tiếp
cận của bạn so với các bạn sinh viên cùng khóa học có những khác biệt thế nào?
Môi trường học đường về thời trang ở Italia có nhiều cạnh tranh và áp lực?
Tôi cũng như bao các bạn sinh viên cùng khóa tại trường NABA Nuova Accademia di Belle Arti, đều đến trường học mỗi ngày, lắng nghe và tiếp thu từ thầy- cô khi truyền đạt các kiến thức chuyên môn. Mọi thứ không quá khác biệt về cách tiếp cận, mọi thứ được giảng dạy phải về chịu khó tìm tòi nghiên cứu thêm.
Song, có thể nói, sự khác biệt lớn nhất giữa tôi và các bạn sinh viên quốc tế khác; điển hình là những bạn sinh viên gốc Âu, xuất phát điểm của các bạn là đã có nền tảng cơ bản về nghệ thuật, ít nhiều hiểu biết sâu rộng hơn trong tính chất mỹ học. Như bạn cũng biết, tôi sinh ra và lớn lên tại Vinh- Nghệ An – nơi đó không phải là cái nôi phát triển nghệ thuật nên không có quá nhiều tư liệu nghiên cứu sâu về nghệ thuật. Hơn hết, sau khi tôi vừa hoàn thành tốt nghiệp cấp 3 là quyết định đi du học nên không có nhiều thời gian để nghiên cứu sâu rộng về nghệ thuật các châu lục.
Thuở còn ở môi trường phổ thông, tôi dành nhiều thời gian để tập trung vào mỹ thuật nhưng khi cầm cọ "vẽ vời", đó cũng chỉ là hình thức mang tính bản năng và tự rèn giũa thêm mỗi ngày. Tôi chưa tham gia một khóa học đào luyện sâu rộng nào ở Việt Nam nên kiến thức nghệ thuật châu Âu, nền móng nghệ châu Âu phải thừa nhận rằng, hạn chế so với các bạn sinh viên gốc Âu cùng khóa. Thế nên, mỗi khi làm đồ án, tôi luôn tìm đến giá trị nghệ thuật Á châu, văn hóa Việt Nam để thực hiện và truyền tải một cách tốt nhất.
Song song, tại môi trường
ở NABA Nuova Accademia di Belle Arti luôn có sự cạnh tranh xảy ra. Vì nơi này
là cái nôi của thời trang thế giới, sinh viên quốc tế theo ngành thời trang đều
đổ về đây để học tập. Nhưng sẽ không bất ngờ gì; bởi ở môi trường nào cũng đều
có sự cạnh tranh và nỗ lực- song, sự cạnh tranh ở đây không có nhiều “drama”,
chuyện bên lề không xảy ra nhiều. Tất cả đến sống và học tập dưới mái trường
NABA Nuova Accademia Arti đều cùng chung chí hướng, cùng chung tiếng nói quyết
tâm học, cùng nhau phát triển trong môi trường thời trang.
Bạn mô tả mình là một
nhà thiết kế như nào – trạng thái lúc sáng tạo, lúc phác họa, lúc tác phẩm hoàn
tất ?
Đối với tôi, nhà thiết
kế như một nhạc công, một đầu bếp và cũng có thể là một ca sĩ hay một nghệ sĩ
chơi piano hoặc làm thơ. Bởi vì sao? Vì khi làm thiết kế, bạn phải huy động tất
cả mọi giác quan, huy động tất cả mọi cảm xúc trong con người để sáng tạo – là
âm nhạc – là đôi tai - là đôi mắt – là bàn tay - là ẩm thực; và thậm chí là những
tiểu tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật. Là một nhà thiết kế, có lẽ mọi
thứ đều xuất phát từ những điều chân thực nhất cuộc sống nhằm bắt đầu quá trình
sáng tạo của mình.
Và quá trình thực hiện
là quá trình bồi đắp, quá trình vun vén, nuôi trồng cảm xúc đó để biến những điều
đó trở thành tác phẩm có sức sống. Tuy nhiên những quá trình đó phải bước qua
những đau đớn, những điều tuổi thân, những lúc hờn giận, những khổ cực, những vất
vả, những thất vọng, những sai sót,… mới có thể đi đến hành trình viên mãn – những
cảm xúc tròn đầy khi đứa con tinh thần của mình hoàn thiện.
Tựu trung, để làm thời trang, để tạo nên một bộ sưu tập, giống như ôm cả thế giới vào lòng. Nhưng hơn hết, tôi luôn tâm niệm, rằng hành trình đẹp nhất là hành trình cần có niềm vui, có cả nỗi buồn, có cả đau đớn, có cả hạnh phúc, có cả nụ cười và cũng sẽ có cả nước mắt. Đó mới thực sự là hành trình có ý nghĩa.
Dự án “INSIDE VIETNAM”
tất thảy có bao nhiêu phần? Vì sao phần còn lại trong “INSIDE VIETNAM” lần này
lại lấy nguồn cảm hứng từ tranh áo dài của Lê Phổ?
Dự án “INSIDE VIETNAM”
bao gồm hai phần. Phần một là “Quintessence” lấy cảm hứng về nghề đan lát, ươm
tơ dệt lụa truyền thống của Việt Nam. Phần hai là “La Peinture” bắt nguồn từ
các bức tranh áo dài của họa sĩ Lê Phổ. Lý do tôi chọn cảm hứng từ các bức
tranh của họa sĩ Lê Phổ để tạo nên bộ sưu tập mang hơi thở Việt Nam nhưng vẫn
chứa đựng cá tính của mình, một phần tôi sinh trưởng và lớn lên trong một gia
đình có truyền thống về hội họa, bản thân tôi cũng yêu hội họa và từng theo đuổi
hội họa. Phần còn lại, tiểu sử phát triển và các tác phẩm của họa sĩ Lê Phổ luôn có
một sức sống mãnh liệt không chỉ riêng Việt Nam mà đối với nghệ thuật thế giới.
Những gam màu đó có sự tương đồng trong cảm thụ thẩm mỹ của tôi, cũng như đang
là xu hướng thịnh hành hiện nay nên tôi chắt lọc áp dụng vào từng look trong bộ sưu tập “La
Peinture”.
INSIDE VIETNAM” – Tính
cốt lõi làm nên bản sắc Việt, nếu không chọn cách đan truyền thống của người Việt
trong “Quintessence” hay “La Peinture” thì bạn sẽ chọn góc nhìn nào khác nhằm
làm nổi bật văn hóa Việt?
Chắc có lẽ sẽ chọn nguồn
hứng cảm từ nghề thủ công làm gốm, sứ Việt Nam, hoặc vùng cao Tây Bắc. Tôi là một
người khá yêu du lịch và tìm hiểu văn hóa nên mong muốn những điều đó sẽ được
tái hiện trong các bộ sưu tập của mình; bởi dù gì tôi cũng là người con của Việt
Nam, sinh sống và làm việc ở Việt Nam suốt 18 năm – đó là một quãng thời gian đủ
dài để tôi hiểu và trải nghiệm về văn hóa xứ Việt. Chính những tiếp thu đó đã
giúp tôi có thế mạnh để vay mượn “văn hóa” của Việt Nam giới thiệu đến bè bạn
quốc tế dưới con mắt của người hiện đại.
Chiếm đoạt văn hoá đã
luôn là tâm điểm của những tranh cãi không hồi kết, đặc biệt là khi cảm hứng
văn hoá trong thời trang đang trở thành một xu thế nổi bật những năm vừa qua. Bạn
có nghĩ chiếm đoạt văn hóa trong thời trang là con dao hai lưỡi?
Tôi nghĩ mục đích cuối
cùng ở góc độ thiết kế thời trang không phải là “Chiếm đoạt văn hóa”( Cultural
Approriation) mà là “Tôn vinh văn hóa” (Cultural Appreciation). Lằn ranh đó rất
mong manh trong công cuộc nghiên cứu nghiêm túc nhưng vừa phải. Yếu tố văn hóa
không phải là bệ phóng giúp phát triển sự nghiệp, những điều nghiêng về “văn
hóa” chỉ là một phần trong yếu tố truyền tải – giống như bộ sưu tập “
Quintessence” trước đó, tôi có hợp tác cùng một công ty đan lát Việt Nam để
giúp hoàn thiện đồ án phần một của mình. Đó là thông điệp gửi gắm, tôn vinh sản phẩm tạo ra từ
chính đôi bàn tay của các nghệ nhân truyền thống Việt Nam đến gần với thời trang hiện đại nhất có thể.
Trong mỗi tác phẩm của
bạn thuộc dự án “ INSIDE VIETNAM”, khía cạnh môi trường có được ưu tiên và đảm
bảo? Chất liệu mà bạn sử dụng trong “La Peinture”?
Vâng, đó là một khía cạnh
quan trọng và là thứ tôi thực sự muốn phát triển nhưng cũng là một khía cạnh rất
phức tạp hiện nay. Đó là một câu hỏi khó. Ngành công nghiệp ngày nay rất rộng lớn,
bạn không bao giờ có thể thực sự biết tất cả các sản phẩm may mặc có nguồn gốc
từ đâu và quá trình chúng đã trải qua. Nhưng điều đó hoàn toàn là điều cần được
thảo luận và phát triển; vì tôi vẫn còn là một sinh viên!
Điển hình, các chất liệu trong quá trình đan lát đều có nguồn gốc tự nhiên, bên cạnh sợi cotton, linen thô và linen,… thì tôi vẫn sử dụng vải nhân tạo polyester, cellulose dùng làm vải lót và dựng phom. Bộ sưu tập “ La Peinture” là sự phối trộn nhiều chất liệu từ tự nhiên lẫn nhân tạo cùng các kỹ thuật draping, nhuộm vải, vẽ trên vải, xếp hoa,...
Quá trình sản xuất diễn
ra thế nào, có dễ dàng?
Thật gian nan! Bởi những màu sắc thực hiện trong bộ sưu tập “ La Peinture” chủ yếu là gam màu nổi. Nhưng để ra thị trường tìm và chọn những gam màu nổi đúng với thiết kế của mình rất khó.Vì thế tôi phải cân bằng làm sao mảng màu mình chọn để vẽ và màu thực tế không chênh lệch nhiều. Song song, có nhiều bản phác thảo với các kỹ thuật xử lý vẫn chưa được học nên phải tự mày mò thêm. Thêm vào đó, thời gian dành chăm sóc cá nhân trong lúc làm đồ án không nhiều; vì có một số look phải xử lý bằng máy may công nghiệp nên tôi dành thời gian để ở trường nhiều hơn. Tuy nhiên, rốt cuộc tôi vẫn có niềm vui riêng khi đồ án hoàn tất suốt 7 tháng qua.
Bạn đang thích nghi dần
với môi trường làm việc tại Milan, khi hoàn thành khóa học và tốt nghiệp, bạn sẽ
trở về Việt Nam làm việc hay sẽ ở lại để tìm kiếm cơ hội tại môi trường quốc tế?
Tôi cũng đã bắt đầu
quen dần với guồng quay vận hành của nền công nghiệp thời trang Milan. Việc
hoàn thành tốt nghiệp, tôi vẫn chưa thể nói trước được điều gì. Có thể sẽ ở lại
Milan, và cũng có thể sẽ quay về Việt Nam, sẽ có nhiều yếu tố tác động và tôi
tin vào chữ “Duyên”, tôi vẫn giữ một tin thần lạc quan, làm tốt nhất có thể
trong khả năng của mình, vẫn cống hiến cho thời trang, vẫn đi theo con đường mà
mình lựa chọn.
Bạn thích trải nghiệm
và làm việc với thương hiệu xa xỉ nào nhất sau khi tốt nghiệp và quyết định ở lại?
Để ở lại và lựa chọn làm việc cho một thương hiệu thì có rất nhiều sự lựa chọn. Và đó cũng là giấc mơ từ bé của tôi khi được nhận vào làm việc cho một thương hiệu tiếng tăm. Tuy nhiên, tính tôi vốn dĩ không thích nói trước hay chia sẻ đến mọi người khi vấn đề chưa thành hiện thực.
Dự định tiếp theo về bộ
sưu tâp mới sẽ ra sao?
Sau “ La Peinture”,
tôi vẫn ấp ủ một số dự án và có lẽ trong năm 2022, thì tôi vẫn tiếp tục khẳng định
hình ảnh của mình với vai trò là một nhà thiết kế thời trang. Hy vọng những điều
đó vẫn được sự hưởng ứng đón nhận từ bạn bè, giới mộ điệu, các anh chị biên tập
thời trang đã và đang theo dõi chặng đường sự nghiệp của mình. Hy vọng mọi người
gìn giữ sức khỏe, một ngày nào đó trở lại Việt Nam, tôi có cơ hội thực hiện
một show diễn kỷ niệm cũng như ra mắt sản phẩm tại thị trường quê nhà.
Cảm ơn nhà thiết kế Phan Đăng
Hoàng về cuộc trò chuyện chia sẻ lần này!
Ban
biên tập Vnindustry