Theo Chaebul.com, một chuyên trang phân tích các tập đoàn hàng đầu ở Hàn Quốc, các tập đoàn có doanh thu trên 10.000 tỷ won (7,4 tỷ USD) có tổng chi phí lãi vay lên tới 5,5 tỷ USD trong năm 2023. Con số này tăng 61,3% so với con số 3,4 tỷ USD năm 2022. Năm 2023, tổng số nợ phải trả của các công ty này là 333 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm 2022.

Trong số 30 tập đoàn hàng đầu, SK Hynix có chi phí lãi vay tăng cao nhất. Chi phí lãi vay của tập đoàn này năm 2023 là 854 triệu USD, tăng 226,2% so với chi phí 262 triệu USD của năm 2022. SK Hynix cũng phải đối mặt với khoản lỗ đáng kể cả về thu nhập hoạt động và thu nhập ròng vào năm 2023. Do chi phí vay tăng mạnh, tổng nợ phải trả của công ty đạt mức kỷ lục 28 tỷ USD, tăng 21,5% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ cũng tăng 18 điểm phần trăm lên 70,5% so với năm 2022.

Lotte Chemical cũng phải chịu chi phí lãi vay tăng 212,6% năm 2023 so với năm 2022. Tương tự, LG Display, Samsung SDI và Samsung Electronics cũng phải chịu chi phí lãi vay tăng hơn gấp đôi năm 2023 so với năm 2022.

Trong danh sách 30 tập đoàn hàng đầu, cả Kia và Samsung Display đều chứng kiến chi phí lãi vay giảm. Tổng nợ phải trả của Kia giảm 4,6% năm 2023 so với năm 2022, trong đó chi phí lãi vay giảm 25,6%, xuống còn 111 triệu USD. Tương tự, chi phí lãi vay của Samsung Display giảm 24,7% năm 2023 so với năm 2022 xuống còn 26 triệu USD do giảm nợ phải trả.

Các công ty có tổng nợ phải trả giảm bao gồm Hyundai Motor, Kia, Hyundai Mobis (cả ba đều thuộc Tập đoàn ô tô Hyundai), GS Caltex, Samsung Display, Hyundai Steel, Samsung SDI, KT, E-Mart, SK Telecom và Daewoo E&C, tổng cộng là 11 công ty.

Tuy nhiên, do gánh nặng nợ nần của các tập đoàn lớn Hàn Quốc ngày càng tăng nên khả năng trả nợ của họ đã giảm mạnh. Tỷ lệ thanh toán lãi vay, cho thấy khả năng trả nợ của 30 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc về nợ phải trả, đã giảm đáng kể từ mức trung bình 14,4 lần xuống mức trung bình 2,0 lần vào năm 2023.

Theo TTXVN