Tết Trung Thu diễn ra vào ngày rằm tháng tám âm lịch hàng năm, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia thuộc khu vực Châu Á – những nước có sử dụng lịch mặt trăng cũng đón tết Trung Thu. Hãy cùng xem không khí đón Trung Thu ở các nước này ra sao, xem họ ăn gì, tổ chức lễ hội như thế nào.

Thái Lan

Người Thái tổ chức lễ Trung thu vào đúng ngày 15/8 âm lịch hàng năm. Vào dịp này, khắp nơi trên xứ xở của những ngôi chùa người ta tổ chức lễ cúng trăng và mọi người trong gia đình ngồi quây quần bên bàn thờ để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Bàn thờ truyền thống phải có quả đào và bánh Trung thu. Theo quan niệm của người Thái, khi làm như vậy Bát Tiên sẽ mang trái đào đó tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm cũng như các vị thần tiên khác, để chứng giám cho những lời ước nguyện của mọi người.


Việt Nam

Theo dân gian Việt Nam Tết Trung Thu hay còn gọi là Tết thiếu nhi gắn liền với hình ảnh Chị Hằng và Chú Cuội.

Vào dịp này ở các vùng quê Việt Nam thường hay tổ chức các hội trại Trung Thu dành cho các bạn thiếu nhi cùng với các phong trào biểu diễn như múa hát từ các thôn, phường xã không khí rất vui tươi và tấp lập. Rất nhiều các hội nhóm được tạo lập nên thành các đội múa Lân, múa Sư Tử có các thành viên đa phần là ở lứa tuổi thiếu nhi sẽ đi khắp các gia đình, thôn xóm thực hiện các điệu múa Lân, múa Sư Tử với mong ước sẽ mang lại nhiều điều may mắn cho mọi người. Để đáp lại các gia đình sẽ “hối lộ” các thành viên trong đoàn bằng một bao lì xì nhỏ.




Hội trại  và các hoạt động tập thể ở Việt Nam nhân ngày tết Trung Thu


Không những thế trong vài năm trở lại đây đối với nhiều người Việt Nam xa quê đi làm ăn, Tết Trung Thu cũng chính là khoảng thời gian sum vầy bên những người thân yêu sau một khoảng thời gian làm việc vất vả, mọi người trong gia đình sẽ sum họp , bày biện mâm quả lên bàn thờ tổ tiên và ăn bánh trung thu.

Philippines

Cộng đồng những người Philippines gốc Hoa tập trung chủ yếu ở khu phố “Tàu” ở thu đô Manila Philippines. Tại đây cứ mỗi dịp Trung Thu về họ sẽ tổ chức rất linh đình trong vòng 2 ngày với các biểu ngữ và lồng đèn.

Họ thích chơi Pua Tiong Chiu - một trò chơi xúc xắc phổ biến được cho là có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc. Trò chơi bao gồm sáu viên xúc xắc được để trong một cái bát lớn; Người chơi sẽ lắc xúc xắc, người chiến thắng sẽ dựa trên các kết hợp số và nhận được một phần thưởng là bánh trung thu.


Nhật Bản

Tết Trung thu của Nhật Bản được gọi là Tsukimi, Otsukimi hoặc Jugoya – hay còn gọi là lễ hội trông trăng.

Nhiều người dân sẽ trang trí nhà cửa bằng cỏ pampas (susuki) với quan niệm bảo vệ linh hồn khỏi ma quỷ.

Theo truyền thuyết Tết trung thu ở Nhật bản gắn liền với sự tích một chú thỏ ngọc sống chung với thần Mặt Trăng. Người dân Nhật mỗi khi ngắm trăng vào ngày trăng tròn của tháng 8 thường sẽ thấy hình ảnh một chú thỏ đang ngồi ăn bánh bao hoặc đang đứng giã bánh Tsuki- Dango.


Ngoài đón tết trung thu vào 15/8 âm lịch, tết Otsukimi còn được tổ chức lần 2 vào khoảng một tháng sau đó (tức ngày 13/9 âm lịch). Người Nhật gọi đêm 13 này là “trăng sau”.

Mục đích việc tổ chức ngắm trăng 2 lần vì người Nhật có quan niệm rằng nếu chỉ ngắm trăng vào đêm 15/8 thì chắc chắn sẽ gặp tai họa, xui xẻo. Bởi vậy, người Nhật khi đã ngắm trăng đêm 15 thì nhất định sẽ phải ngắm trăng vào đêm 13. Đây là một nét khác biệt trong tết trung thu ở Nhật Bản so với nhiều quốc gia khác.

Tsukimi-dango (được gọi là dango) là loại bánh truyền thống được sử dụng trong ngày rằm tháng 8 âm lịch của người Nhật. Họ sẽ dâng bánh dango lên thần linh, tổ tiên cầu mong sung túc, mùa màng tươi tốt. Họ cũng tin rằng ăn bánh này giúp khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

 

Vào đêm 15, người Nhật thường xếp khoảng 15 viên bánh dango lên đĩa để cúng. Tuy nhiên, tùy theo năm thường hay năm nhuận mà cũng có người chọn số bánh bằng số đêm trăng tròn trong năm là 12 hoặc 13 viên, hoặc là 5 viên. Vào đêm 13/9 thì sẽ cúng 13 hoặc 3 viên bánh.

Bên cạnh bánh dango, các món ăn được người Nhật lựa chọn trong Tết trung thu còn có khoai tây, khoai môn, lê và các loại đậu.

Hàn Quốc

Ngày lễ rằm tháng 8 âm lịch ở Hàn Quốc có tên gọi là Chuseok. “Chuseok” có nghĩa là đêm mùa thu, đêm trăng đẹp nhất trong năm theo tiếng Hàn. Trước kia Chuseok diễn ra vào mùa thu - mùa thu hoạch mùa màng. Do đó, Trung thu ở Hàn Quốc còn mang ý nghĩa hội mùa. Vào ngày này, người Hàn sử dụng các sản phẩm mới thu hoạch được như thịt, cá, rau, hoa quả, bánh gạo... để chế biến các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên.


Những năm gần đây, Chuseok mang nhiều ý nghĩa hơn. Nó không chỉ là lễ hội thu hoạch mùa màng mà còn là ngày lễ tưởng nhớ những người thân đã khuất, là ngày sum họp đoàn tụ gia đình. Vì vậy, Chuseok được coi là dịp lễ tạ ơn ở Hàn Quốc, ngày mà mọi người bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên.

Trung Quốc

Trung Quốc được xem là quốc gia khởi nguồn của ngày tết Trung Thu. Người Trung Quốc cổ đại đã có phong tục ngắm trăng vào ngày rằm tháng tám hàng năm. Theo các ghi chép lại từ lịch sử Trung Hoa cũng đề cập rất nhiều đến ngày Tết này, người dân địa phương thường có buổi lễ tế thần mặt trăng vào đêm trăng tròn. Từ thời nhà Chu, cứ đến rằm tháng 8, người dân đều tổ chức lễ tế trăng và chào đón mùa đông. Trên bàn lễ họ bày biện nhiều thứ như bánh Trung thu, dưa hấu, táo, mận, nho... Trong đó, bánh Trung thu và dưa hấu là hai thứ bắt buộc phải có. Dưa hấu còn phải được tỉa thành hình hoa sen.




Ngày nay, Tết Trung Thu của Trung Quốc còn có nhiều hoạt động hấp dẫn như: ngắm trăng, thưởng thức bánh trung thu, thả hoa đăng, giải câu đố...