Hiện nay, để hỗ trợ cho xe điện phát triển, Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi như: Miễn phí trước bạ 0% cho các xe mới (từ tháng 3.2022 đến tháng 3.2025); thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho xe điện giảm từ 15% xuống còn 3%, áp dụng đến ngày 28.2.2027.

Các chính sách này đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam. Tuy nhiên, so các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam vẫn cần có thêm các chính sách đột phá hơn nữa dành cho xe năng lượng sạch, nhất là xe điện.

Trong báo cáo về chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng xe ôtô điện, Bộ Công Thương cho biết, trong khi Việt Nam đang thiếu những chính sách phát triển xe ôtô điện, thì các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia lại coi trọng phát triển dòng xe này và phấn đấu trở thành công xưởng xe điện của ASEAN.

Ở Thái Lan, từ năm 2016, Chính phủ nước này đã đưa ra lộ trình chung để phát triển xe điện và phê duyệt kế hoạch ưu đãi thuế đối với sản xuất xe điện. Đến năm 2036, Thái Lan đặt mục tiêu tăng số lượng ôtô điện lên 1,2 triệu chiếc và có 690 trạm sạc hoạt động trên cả nước.

Chính phủ Thái Lan cũng đã công bố thay đổi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt để khuyến khích phát triển xe điện. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phát triển xe điện hiện là 2%, trong khi trước đây là 10%.


Một quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á có chính sách xe điện cực kỳ ưu đãi là Indonesia. Tháng 8.2019, Tổng thống Indonesia ban hành Sắc lệnh số 55 về Chương trình tăng tốc phát triển xe điện cho giao thông đường bộ với ưu đãi đặc biệt cho xe điện nội địa hóa.

Chính phủ Indonesia bắt buộc thực hiện dần yêu cầu về hàm lượng nội địa cho ngành xe điện. Giai đoạn 2022 đến 2023, tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu hơn 40%, giai đoạn 2024 đến 2029 tối thiểu 60%, sau năm 2030, tối thiểu 80%.

Tháng 6.2019, hãng Toyota công bố kế hoạch sản xuất xe điện tại Indonesia trong vòng 4 năm và cam kết rót khoảng 2 tỉ USD để triển khai sản xuất xe hybrid (HEV) dành cho thị trường Indonesia và hướng xuất khẩu.

Ở Trung Quốc, ngay từ năm 2012, Chính phủ nước này thông báo mục tiêu sản xuất và doanh số của xe điện và xe hybrid là trên 500.000 xe vào năm 2015 và trên 5 triệu xe vào năm 2020.

Đến đầu năm 2019, Tesla khởi công nhà máy sản xuất xe điện trị giá 5 tỉ USD tại Thượng Hải, Trung Quốc. Giai đoạn đầu, cơ sở này có thể sản xuất 250.000 xe mỗi năm, gồm các dòng Model 3 và Model Y. Sau đó, công suất của nhà máy có thể tăng lên gấp đôi và xe điện từ Trung Quốc hiện được xuất đi châu Á và châu Âu.

Nhật Bản, cường quốc sản xuất ôtô hàng đầu thế giới, trong những năm qua đã đẩy mạnh việc sử dụng và phát triển xe hybrid (HEV) và nghiên cứu sâu hơn về các dòng xe sử dụng nguồn năng lượng bằng khí hydro (FCEV).

Tại Pháp, kể từ ngày 1.1.2023, người mua xe điện tại Pháp với mức giá không vượt quá 47.000 Euro (tương đương khoảng 1,2 tỉ đồng) sẽ được chính phủ trợ giá tới 5.000 Euro (tương đương khoảng 131 triệu đồng) và tối đa tới 7.000 Euro (tương đương khoảng 183 triệu đồng) đối với những trường hợp đặc biệt. Đây là khoản hỗ trợ thuộc chương trình “Khuyến mãi xanh” được chính phủ Pháp áp dụng nhằm thúc đẩy thị trường xe điện.

Tại Mỹ, người mua xe điện được nhận nhiều ưu đãi khác nhau như gia hạn tín dụng thuế, giảm giá trả trước hay giảm giá bộ sạc xe và chi phí lắp đặt tại nhà. Chính phủ nước này cũng đưa ra giới hạn về giá xe điện và giảm giá xe điện đã qua sử dụng.

Thậm chí, ở Hà Lan, chính phủ nước này đã miễn toàn bộ thuế mua xe và thuế xe cơ giới tới năm 2024 cho các xe chạy hoàn toàn bằng điện. Các doanh nghiệp mua và sử dụng xe điện cũng được hỗ trợ bởi chương trình trợ cấp phương tiện thương mại không phát thải (SEBA). Các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Na Uy cũng đưa ra các ưu đãi miễn thuế cho xe điện và hỗ trợ người dân về kinh tế khi mua và sử dụng loại xe này.