Theo Nikkei Asia, các ngân hàng
trung ương trên thế giới đã tăng lượng vàng nắm giữ trong dự trữ ngoại hối lên
mức cao nhất trong vòng 31 năm qua.
Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới
cho thấy, tính đến tháng 9/2021, dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương đã đạt
khoảng 36.000 tấn - mức cao nhất kể từ năm 1990.
Ở chiều ngược lại, tỷ lệ đồng USD
trong dự trữ ngoại hối của các nước đang giảm đi, xuống mức thấp nhất trong một
thế kỷ trong năm 2020.
Theo Nikkei, mặc dù Cục Dự trữ
Liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu thắt chặt tín dụng, nhưng các ngân hàng trung
ương hiện vẫn đang đẩy mạnh tích trữ vàng, do sự suy giảm niềm tin vào các tài
sản định giá bằng đồng USD.
Năm 2019, ngân hàng trung ương Ba
Lan (NBP) đã mua khoảng 100 tấn vàng và vẫn tiếp tục mua vào kim loại quý này.
Hoạt động mua vàng của các nền kinh tế mới nổi đang diễn ra hết sức sôi động.
Trong 9 tháng kể từ đầu năm 2021,
Thái Lan đã mua khoảng 90 tấn vàng, Ấn Độ mua 70 tấn vàng và Brazil mua 60 tấn
vàng.
Không giống như trái phiếu chính
phủ Mỹ và các tài sản khác định giá bằng đồng USD, vàng không có lãi suất. Tuy
nhiên ngân hàng trung ương Hungary đã tăng gấp 3 lần lượng dự trữ vàng của
mình, lên hơn 90 tấn vào mùa Xuân năm 2020 vì kim loại này không có rủi ro tín
dụng và rủi ro đối tác.
Trước đây, các ngân hàng trung
ương của Nga và một số quốc gia khác ít mua vàng với số lượng lớn. Tuy vậy,
tình hình hiện nay đã thay đổi khi các ngân hàng này đang cố gắng thoát khỏi sự
phụ thuộc vào đồng USD.
Gần đây, các ngân hàng trung ương
của các nền kinh tế mới nổi, vốn có xu hướng giảm giá trị đồng tiền của họ và
các ngân hàng trung ương ở Đông Âu có quy mô kinh tế hạn chế, trở thành những
nhà thu mua vàng đáng kể. Đối mặt với sự sụt giá liên tục của đồng nội tệ,
Kazakhstan đã tăng mạnh tỷ lệ vàng trong kho dự trữ ngoại hối của họ.
Theo Koichiro Kamei, nhà phân
tích tài chính và kim loại quý, các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới
nổi có sức mạnh tín dụng yếu và họ bắt đầu "bảo vệ tài sản của mình bằng
vàng".
Sự hiện diện của đồng USD trong dự
trữ ngoại hối đang giảm xuống, trái ngược với sự gia tăng của vàng. Năm 2020, tổng
giá trị của số lượng đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm xuống mức thấp
nhất trong 25 năm. Sự suy giảm này một phần là do giá trị của đồng USD so với
vàng cũng giảm trong dài hạn.
Mới đây, FED đã tuyên bố ngân
hàng này sẽ chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng và dự kiến rằng sẽ bắt đầu
tăng lãi suất vào năm 2022. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương của các nền
kinh tế mới nổi có khả năng tiếp tục chuyển sang dự trữ vàng thay vì USD.
Theo VTV