Với vị trí thuận lợi, gần các cảng biển, đường
cao tốc, đường hàng không, cùng hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại,
các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và
đang tạo ra sức hấp dẫn lớn, trở thành “bến đỗ” an toàn đối với dòng vốn đầu tư
trực tiếp nước ngoài (FDI).
Dòng vốn FDI tăng từng năm
Theo
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 1/2/2023), tỉnh Quảng Ninh
có 23 KCN (đến nay đã thành lập được 7 KCN) và 5 KKT. Đây đều là những địa bàn
trọng điểm được đông đảo nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm, đặc biệt là
đối với dòng vốn FDI.
Để
đảm bảo đủ điều kiện thu hút đầu tư, tăng sức hấp dẫn đối với dòng vốn FDI, chủ
đầu tư các KCN trên địa bàn Quảng Ninh thời gian qua đã nỗ lực thực hiện đúng
cam kết theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thi công hoàn thiện đầy đủ hạ tầng
kỹ thuật đồng bộ, hiện đại trong KCN. Thường trực Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh Quảng
Ninh thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương
liên quan bám sát định hướng phát triển của tỉnh, phối hợp chặt chẽ, tham mưu
cho tỉnh lên danh mục các dự án, địa bàn KCN để đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu
tư; ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư; rà soát, cắt giảm các
TTHC; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, lắng nghe, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những
khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ông
Phạm Xuân Đài, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Ban đã phối hợp
chặt chẽ với các chủ đầu tư KCN, chính quyền địa phương nơi có KCN đẩy nhanh
GPMB, tạo nguồn quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Trong đó chú trọng đến dòng vốn
FDI thế hệ mới với những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, sử dụng công nghiệp
xanh, công nghiệp sạch, giảm diện tích đất sử dụng, tăng sản phẩm hàm lượng
công nghệ cao trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng,
nguồn nhân lực và các điều kiện thực tế của địa phương, tác động tích cực đến
doanh nghiệp địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Sản xuất dầu ăn tại Công ty TNHH Calofic (KCN Cái
Lân, TP Hạ Long).
Theo
thống kê của Sở KH&ĐT Quảng Ninh, số vốn FDI thu hút vào KCN, KKT năm sau đều
cao hơn năm trước. Từ năm 2021 đến tháng 7/2024, số vốn thu hút FDI vào Quảng
Ninh đạt khoảng 8,4 tỷ USD (tương đương 201.000 tỷ VND); trong đó các KCN, KKT
chiếm ưu thế lớn. Điển hình năm 2023, tổng vốn thu hút đầu tư FDI của Quảng
Ninh đạt trên 3,24 tỷ USD, bằng 314% chỉ tiêu của Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND
tỉnh đề ra trong năm 2023, bằng 127,8% so với năm 2022, đứng thứ 3 trong nước về
thu hút dòng vốn FDI.
7
tháng năm 2024, tổng vốn thu hút đầu tư FDI vào địa bàn các KCN, KKT tỉnh đạt
trên 1,55 tỷ USD, bằng 52% kế hoạch năm (3 tỷ USD); trong đó có 21 dự án FDI được
cấp mới, 31 dự án FDI được điều chỉnh tăng vốn. Một số dự án FDI tiêu biểu được
cấp mới, như: Dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện
Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại KCN Cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà), tổng mức đầu
tư 275 triệu USD; Dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại
KCN Amata Sông Khoai (TX Quảng Yên), tổng
mức đầu tư 57 triệu USD.
Dư địa thu hút còn lớn
Trong
7 KCN đã thành lập, KCN Cái Lân (TP Hạ Long) đã được lấp đầy, 6 KCN còn lại còn
nhiều dư địa để thu hút đầu tư nguồn vốn FDI, nhất là các KCN trên địa bàn KKT
ven biển Quảng Yên. Riêng tại KCN Sông Khoai, thời điểm này được nhiều nhà đầu
tư FDI quan tâm nhất, bởi thế trong năm 2024 tỉnh đặt mục tiêu thu hút vốn FDI
vào KCN Sông Khoai đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 50% kế hoạch thu hút vốn FDI vào Quảng
Ninh năm 2024.
Nhà máy Jinko Solar tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) của Công ty TNHH Công nghiệp
Jinko Solar Việt Nam.
Từ
đầu năm 2024 đến nay, KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) đã thu hút được 500 triệu
USD, đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và Ban Quản lý KKT tỉnh
đẩy nhanh GPMB giai đoạn 2, giai đoạn 3. Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc
Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long, cho biết: Mục tiêu thu hút 1,5 tỷ USD vốn FDI
vào KCN Sông Khoai năm 2024 là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, cái khó lúc này là
đơn vị không có mặt bằng sạch. Đơn vị đã và đang làm việc với một số nhà đầu tư
đến từ Đài Loan, châu Âu, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…, nếu như sớm được giao
diện tích mặt bằng sạch còn lại của giai đoạn 2, 3 thì 1 tỷ USD từ nay đến cuối
năm là khả thi.
Để
đảm bảo mục tiêu thu hút vốn FDI bền vững, lâu dài vào tỉnh nói chung, KCN, KKT
nói riêng, Quảng Ninh đang xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến,
thu hút đầu tư FDI với những nhiệm vụ, mục tiêu hết sức cụ thể. Trong đó tiếp tục
đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật 16
KCN còn lại (theo quy hoạch), với diện tích quy hoạch gần 12.000ha; phấn đấu
giai đoạn 2021-2025 thu hút vốn FDI vào địa bàn đạt 10 tỷ USD, giai đoạn
2026-2030 thu hút đạt 18,6 tỷ USD, bình quân mỗi năm thu hút trên 3,7 tỷ USD.
Sản xuất vải dệt tại Công ty TNHH KHKT Texhong Liên
hợp Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà).
Theo
thống kê, Quảng Ninh hiện có 188 dự án FDI đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ,
tổng vốn đầu tư trên 14,6 tỷ USD. Các dự án FDI này chủ yếu được đầu tư vào các
KCN, với các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại,
có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các dự án FDI đầu
tư vào các KCN đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 40.600 lao động, đóng góp cho
ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, trở thành một nguồn lực mới, duy
trì mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 2 con số 9 năm liên tiếp.
BQN