Công nghiệp Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước nhưng sau nhiều năm, mô hình phát triển cũ đang bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai dự tính sẽ phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải khí carbon để phát triển bền vững.

Theo Quy hoạch, đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có 48 khu công nghiệp (KCN) và 31 cụm công nghiệp. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang chuyển đổi ngành công nghiệp, từng bước hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng trở thành địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp xanh, bền vững.

Chuyển đổi để phát triển bền vững

Những năm gần đây, Đồng Nai đã tích cực chuyển đổi sang công nghiệp xanh. Việc thu hút đầu tư các dự án vào địa phương đã được quán triệt với phương châm thu hút những ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, thân thiện môi trường, tạo giá trị gia tăng cao, đóng góp vào nguồn thu cho địa phương…

 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đi kiểm tra thực tế một dự án trong Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành). Ảnh:V.Gia

Phục vụ mục tiêu thu hút đầu tư, Đồng Nai đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các KCN. Đến năm 2030, có 48 KCN đi vào hoạt động; đồng thời, quy hoạch 31 cụm công nghiệp, gồm 20 cụm được giữ lại và phát triển thêm 11 cụm mới.

Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Nai Trần Vũ Hoài Hạ, nền tảng cho ngành công nghiệp Đồng Nai bứt phá trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là ứng dụng khoa học kỹ thuật. Trong giai đoạn 2021-2025 là thời kỳ đẩy mạnh việc chọn lọc thu hút các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Giai đoạn 2026-2030, Đồng Nai phấn đấu là trung tâm công nghiệp hỗ trợ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tỉnh ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao với các cấu phần chính gồm các KCN chuyên ngành, công nghệ cao, sinh thái; dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; trung tâm nghiên cứu phát triển, công viên khoa học; trung tâm đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp. Định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Các KCN hiện hữu được chuyển đổi theo hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, lựa chọn sản phẩm, công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Từ năm năm 2020, KCN Amata (ở thành phố Biên Hòa) là một trong số ít các KCN đầu tiên của cả nước được Bộ Kế hoạch và đầu tư chọn để xây dựng mô hình thí điểm KCN sinh thái theo tiêu chí toàn cầu. Tỉnh cũng đã lựa chọn KCN công nghệ cao Long Thành định hướng phát triển, thu hút công nghệ cao vào sản xuất. Đối với các KCN thành lập mới sẽ hoàn thiện hạ tầng đồng bộ và lựa chọn những dự án, công nghệ của tương lai.

Trong cơ cấu ngành nghề, chú trọng phát triển 3 nhóm sản phẩm mũi nhọn gồm: công nghiệp hàng không; công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp và trí tuệ nhân tạo; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin.

Song song với thu hút đầu tư, việc phân bố không gian công nghiệp cũng được tính toán đến. Cụ thể là phát triển nhóm ngành công nghiệp cơ khí, hóa chất, điện tử, công nghiệp công nghệ cao và công nghệ hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn tại thành phố Biên Hòa và các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành và Trảng Bom. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp và các ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp tại các địa phương còn lại của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ, để phát triển công nghiệp và nâng tầm doanh nghiệp (DN) địa phương thì vấn đề đáp ứng nhu cầu đất đai sản xuất là rất quan trọng, trong đó có phát triển cụm công nghiệp. Tỉnh đang triển khai thực hiện đề án di dời cơ sở, nhà máy vào các khu sản xuất tập trung (bao gồm KCN, cụm công nghiệp). Các địa phương tổ chức khảo sát nhu cầu của DN trên địa bàn và xây dựng đề án cấp huyện, trên cơ sở đó UBND tỉnh hoàn thiện đề án chung cho toàn tỉnh.

Kỳ vọng vào sự phát triển lớn mạnh

Đồng Nai nằm trong vùng Đông Nam Bộ, thuộc tứ giác kinh tế gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỉnh cũng có tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm các địa phương cao nhất cả nước, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập của người dân ngày càng cải thiện. Đồng Nai cũng đã có nhiều nỗ lực đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Từ nhiều năm qua, Đồng Nai là trọng điểm trong phát triển công nghiệp, hiện địa phương có hơn 31 KCN đi vào hoạt động, thu hút hơn 1,6 ngàn dự án với trên 34,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 44 quốc gia, vùng lãnh thổ. Song song đó, tỉnh cũng có 53 ngàn DN trong nước đăng ký thành lập, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực.

Đồng Nai có công nghiệp phát triển sớm nên bên cạnh những thành quả đã đạt được còn tồn tại một số hạn chế cần phải khắc phục. Những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp nhiều KCN phát triển sau đi nhanh hơn. Vì thế, nhiều KCN đi vào hoạt động sớm của tỉnh có tốc độ tăng trưởng chậm lại và việc chuyển đổi sang công nghệ cao còn nhiều gian nan.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, thời gian qua, sự phát triển của địa phương chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Chất lượng thu hút các dự án FDI không cao, thu hút nhiều nhưng chủ yếu là các dự án hỗn hợp, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động phổ thông nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến số lượng đóng góp vào ngân sách chưa cao. Các KCN chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn với hàm lượng khoa học - công nghệ cao. Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh ở các DN chậm chuyển biến, chưa có nhiều DN khoa học - công nghệ trên địa bàn...

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, dù tự hào đi sớm về công nghiệp nhưng nếu không chủ động chuyển đổi thì Đồng Nai sẽ có nguy cơ tụt hậu. Áp lực đang ngày càng được đặt ra đối với địa phương, không cách nào khác từng DN và toàn ngành phải tích cực chuyển đổi công nghệ. Đồng Nai mong muốn các DN cùng chung tay trong đổi mới công nghệ, sáng tạo, góp phần nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp của tỉnh.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là nền tảng pháp lý để Đồng Nai hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao. Mục tiêu phấn đấu của Đồng Nai đến năm 2050 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Quyết tâm của toàn hệ thống chính trị đã có, điều quan trọng là triển khai vào thực tế, trong quá trình đó đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng DN cũng như người dân.

BĐN