Theo kế hoạch,
bà Yellen sẽ tới Gandhinagar, Ấn Độ, để tham dự cuộc họp của lãnh đạo các ngân
hàng trung ương và bộ trưởng tài chính thuộc nhóm G20. Tại đây, bà được cho là
sẽ thúc đẩy việc cải cách các tổ chức cho vay toàn cầu với mục tiêu tăng quy mô
và phạm vi ảnh hưởng của họ. Bà cũng sẽ thúc đẩy tiến tình đàm phán nhằm giảm bớt
gánh nặng nợ cho các quốc gia nghèo hơn, một quan chức cấp cao của bộ tài chính
Mỹ cho biết.
Đây sẽ là
chuyến thăm thứ ba của bộ trưởng tài chính Mỹ tới Ấn Độ trong vòng 9 tháng qua
trong bối cảnh Washington đang tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế với nước
láng giềng khổng lồ của Trung Quốc.
Với việc
tham gia vào cuộc họp của G20, bà Yellen sẽ cố gắng thắt chặt hơn nữa mối quan
hệ quan trọng vốn có của họ với Ấn Độ, tuyên bố của bộ tài chính Mỹ cho biết.
Sau đó, bà
Yellen dự kiến đến Việt Nam, nơi bà sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao của Chính
phủ và một số doanh nghiệp tư nhân.
Cụ thể, bà
sẽ gặp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vào ngày 20/07 và dự kiến
trao đổi về vấn đề quản lý ngoại hối của Việt Nam.
Sau đó, bà
Yellen sẽ có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong đó, bà sẽ
nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế sâu sắc giữa Mỹ và Việt Nam, yếu tố giúp tạo nên
khả năng phục hồi kinh tế lớn hơn. Bà cũng sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
ngày 21/07.
Ngoài ra,
Bộ trưởng tài chính Mỹ cũng sẽ tham gia tọa đàm với một số chuyên gia kinh tế
cùng Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.
Mặc dù cuộc
họp G20 là động lực chính của chuyến đi, song cả hai chuyến thăm tới Ấn Độ và
Việt Nam đều phù hợp với ý tưởng mở rộng “tình bạn” của bà Yellen. Nói cách
khác, Bộ trưởng tài chính Mỹ mong muốn Mỹ tăng cường quan hệ thương mại với các
đối tác đáng tin cậy để thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào
một số ít quốc gia và bảo vệ nền kinh tế khỏi rủi ro địa chính trị.
Chuyến
công du này của bà Yellen diễn ra ngay sau chuyến thăm mang tính bước ngoặt tới
Trung Quốc vào tuần trước. Chuyến thăm tới Trung Quốc vừa qua là chuyến thăm đầu
tiên của bà với tư cách là bộ trưởng tài chính, nhằm tìm cách xoa dịu căng thẳng
giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và khôi phục các kênh liên lạc giữa họ.
Tại Bắc
Kinh, bà Yellen nhiều lần nhấn mạnh rằng Mỹ không tìm cách tách khỏi Trung Quốc,
mà muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực quan trọng để bảo vệ an
ninh quốc gia. Mặc dù hai bên mô tả các cuộc đàm phán của họ là mang tính xây dựng,
nhưng họ cũng vẫn bị mắc kẹt trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt khi cả hai đang
áp đặt hạn chế đối với việc tiếp cận các công nghệ chính.