Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tiêu chí môi trường đối với dự án hoặc hạng mục của dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh như sau:

Tiêu chí môi trường bao gồm: Tiêu chí sàng lọc, tiêu chí ngưỡng và chỉ tiêu và yêu cầu không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác.

Dự thảo cũng nêu rõ yêu cầu không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác gồm: a- Phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương (nếu có); b- Tuân thủ yêu cầu về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; c- Phù hợp với hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường áp dụng danh mục phân loại xanh đối với một số dự án hoặc hạng mục dự án đặc thù (nếu có).

Việc xác định dự án hoặc hạng mục của dự án thuộc danh mục phân loại xanh được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh nhưng không có nhu cầu xác nhận dự án hoặc hạng mục của dự án thuộc danh mục phân loại xanh để được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, chủ thể phát hành trái phiếu xanh có trách nhiệm xem xét, xác định để cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh theo quy định.

Về việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 2 phương án: Phương án 1 - xác nhận thông qua tổ chức đánh giá độc lập; phương án 2 - xác nhận bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, xu hướng phát triển thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh đã phát triển từ 20 năm gần đây trên thế giới với các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch cùng các dự án có gắn các mục tiêu môi trường nhằm hướng đến mục tiêu "kép" là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đến nay, tín dụng xanh và trái phiếu xanh trên toàn cầu đã trở thành 2 nguồn tài chính xanh lớn nhất, có vai trò quyết định cho đầu tư xanh, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu và sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu tài chính xanh to lớn cho mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ 21.

Hiện nay, tín dụng xanh, trái phiếu xanh đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia (Châu Âu, Trung Quốc, Bangladesh, Nhật Bản, Ấn Độ, Mông Cổ, Kazahtan...) và các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức sáng kiến khí hậu toàn cầu (CBI), Tổ chức OECD....

Từ năm 2017 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bước đầu thiết lập "Danh mục dự án xanh" và xây dựng tài liệu hướng dẫn công tác thống kê, báo cáo tín dụng xanh để phân loại các hoạt động kinh tế/dự án xanh làm cơ sở để cấp tín dụng xanh và phát hành thí điểm trái phiếu xanh. Thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế; một số chủ thể phát hành trái phiếu đã phát hành thí điểm trái phiếu xanh chính quyền địa phương, trái phiếu xanh doanh nghiệp, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời.

Tuy nhiên, các "danh mục dự án xanh" và hướng dẫn trên đều không có cơ sở phân loại theo các mục tiêu, lợi ích môi trường và không dựa trên các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường của Việt nam và thông lệ quốc tế; thiếu cơ sở pháp lý nên việc sử dụng mới mang mục đích tham khảo hoặc dùng để thống kê.

Vì vậy, việc xây dựng danh mục phân loại xanh gắn với các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể là cần thiết đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân phát hành trái phiếu và các bên liên quan để quản lý, điều hành và thực hiện hiệu quả việc cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Theo Tuệ Văn - BCP