Tại kỳ điều chỉnh kể từ 15h00 chiều ngày 1/3/2022, nhà điều hành đã một lần nữa đồng loạt tăng giá xăng dầu trong nước. Cụ thể, Xăng E5RON92 tăng 545 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 547 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 509 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 469 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 536 đồng/kg. Sau điều chỉnh, giá xăng dầu trong nước sẽ là:  Xăng E5RON92: không cao hơn 26.077 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 26.834 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 21.310 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 19.978 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 18.468 đồng/kg

Như vậy, giá xăng trong nước đã có lần tăng thứ 6 liên tiếp và cũng là lần tăng thứ 5 liên tiếp trong năm 2022

Trên thị trường thế giới, ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng chính trị Nga – Ukraine, Giá dầu đã vượt lên ngưỡng 100 USD/thùng.

Trước tình trạng giá xăng thế giới tiếp tục có xu hướng tăng cao; ở trong nước, tình trạng khan hiếm nguồn cung đã bắt đầu xuất hiện, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2.

Việc Bộ Tài chính trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, theo các chuyên gia đánh giá là một hiệu pháp tích cực nếu được chấp thuận điều chỉnh giảm sẽ giúp ổn định giá của mặt hàng này, kiểm soát lạm phát và duy trì phát triển kinh tế bền vững.

Hiện nay, ngoài thuế bảo vệ môi trường từ 3.800 - 4.000 đồng/lít tùy loại xăng, mỗi lít xăng còn "cõng" thêm nhiều loại thuế khác, như: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng... Ước tính, bình quân mỗi lít xăng, thuế, phí hiện chiếm khoảng 42%, còn dầu từ 21 - 27%.

Được biết, thẩm quyền quyết định điều chỉnh thuế, trong đó có thuế bảo vệ môi trường là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, khi văn bản đề xuất của Bộ Tài chính được Chính phủ thông qua sẽ được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét và quyết định.

T/h