Theo số liệu Tổng cục Hải quan công bố,
trong tháng 8/2024 cả nước nhập khẩu 449.000 tấn phân bón, tương đương 157 triệu
USD, giá trung bình 351 USD/tấn, tăng 5,8% về lượng, tăng 15% kim ngạch và tăng
8,6% về giá so với tháng 7/2024. So với tháng 8/2023, giảm 4,6% về lượng, giảm
0,8% kim ngạch nhưng tăng 4% về giá.
Trong đó, nhập khẩu phân bón từ thị trường
chính là Trung Quốc giảm 15% về lượng, nhưng tăng 2,8% kim ngạch, tăng 21% về
giá so với tháng 7/2024, đạt 181,280 tấn, tương đương 72 triệu USD, giá 400
USD/tấn. Nếu so với tháng 8/2023, tăng 8,7% về lượng, tăng 44% kim ngạch và
tăng 33% về giá.
Nhập khẩu từ Nga chứng kiến sự tăng trưởng đột biến, với mức tăng 1.372% về lượng và 919% về trị giá so với tháng trước, đạt trên 70.000 tấn, trị giá gần 22,5 triệu USD. Tuy nhiên, giá nhập khẩu từ Nga lại giảm xấp xỉ 31%, chỉ còn 320 USD/tấn. So với tháng 8/2023, lượng nhập khẩu từ Nga giảm 38%, trị giá giảm 55% và giá cũng giảm 27%.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt
Nam đã nhập khẩu gần 3,5 triệu tấn phân bón, với trị giá 1,14 tỷ USD. Mặc dù khối
lượng nhập khẩu tăng 43,6% và trị giá tăng 37%, nhưng giá trung bình lại giảm
4,6% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ còn 324 USD/tấn.
Trong đó, Trung Quốc vẫn giữ vị trí là thị
trường cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam, chiếm gần 41% tổng lượng nhập
khẩu và 36,7% tổng kim ngạch, với gần 1,4 triệu tấn, tương đương 439 triệu USD.
Giá nhập khẩu trung bình từ Trung Quốc đạt 307 USD/tấn, tăng trên 17% về lượng
và kim ngạch nhưng giảm nhẹ 0,1% về giá so với 8 tháng đầu năm 2023.
Đứng thứ 2 là thị trường Nga, chiếm 12,4%
tổng lượng và chiếm 16,6% tổng kim ngạch, với trên 434.000 tấn, tương đương 188
triệu USD, giá trung bình 432 USD/tấn, tăng 133% về lượng, tăng 112% về kim ngạch
nhưng giảm 9% về giá so với 8 tháng đầu năm 2023.
Ngoài ra, nhập khẩu từ Lào cũng tăng 27% về
lượng nhưng giảm 5,7% về trị giá, với tổng lượng đạt 240.500 tấn, trị giá trên
62 triệu USD. Đặc biệt, nhập khẩu từ Israel ghi nhận mức tăng đột phá, với hơn
79.622 tấn, trị giá hơn 30 triệu USD, tăng 3.000% về lượng và tăng 711% về trị
giá so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón
Việt Nam (FAV) nhận định, việc Việt Nam tiếp tục nhập khẩu lượng lớn phân bón từ
Trung Quốc là điều dễ hiểu bởi Trung Quốc là cường quốc sản xuất và xuất khẩu
phân bón lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tự chủ một phần nguồn cung,
đặc biệt với các loại phân như urea và super lân, NPK, không chỉ đủ dùng trong
nước mà còn xuất khẩu.
Ông Hà cũng cho biết: “Hiện, Việt Nam đang
nhập các loại phân bón trong nước thiếu hoặc không sản xuất được. Chẳng hạn như
DAP, Việt Nam chỉ sản xuất được từ 400.000 - 500.000 tấn/năm nhưng nhu cầu sử dụng
lên tới xấp xỉ 1 triệu tấn phải nhập, hoặc phân amoni sunfat (SA) mỗi năm nhập
từ 900.000 - 1 triệu tấn.
Ngoài ra, phân bón kali (MOP), Việt Nam
cũng phải nhập khẩu toàn bộ, dao động ở mức 1 triệu tấn/năm. Với phân NPK,
chúng ta cũng nhập phân có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng cũng xuất đi thường
là loại có hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn sang các thị trường trong khu vực lân
cận”.
FAV