Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Thống đốc ngân hàng trung ương
ASEAN (AFMGM) lần thứ 10 diễn ra gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam Phạm Thanh Hà đã ký bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác kết nối thanh toán khu vực
với ngân hàng trung ương các nước ASEAN5 gồm Thái Lan, Singapore, Philippines,
Malaysia, Indonesia.
Theo đó thì Việt Nam sẽ cùng với Singapore, Philippines, Malaysia,
Indonesia và Thái Lan kết nốt hệ thống thanh toán bằng cách sử dụng mã QR code
cho các giao dịch bán lẻ.
Thông qua hình thức thanh toán bằng QR code, người dùng sẽ không cần mang theo tiền mặt mà vẫn có thể thanh toán các món hàng tại cửa hàng bán lẻ. Chỉ cần người dùng có điện thoại thông minh có liên kết với tài khoản ngân hàng. Khi thanh toán, người dùng thực hiện thao tác đưa camera của điện thoại lên để quét mã là hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng đã kết nối.
Với cách thanh toán này thì khách du lịch Việt Nam khi đến các quốc gia
trên sẽ không cần đổi tiền, cũng không cần phải mang theo nhiều tiền mặt mà vẫn
có thể thanh toán hóa đơn mua đồ ăn, thức uống, mua sắm. Có thể nói việc thanh
toán quốc tế khi đi du lịch đã đơn giản và tiện dụng.
Trước đó, vào ngày 14/11/2022, MoU về hợp tác kết nối thanh toán khu vực với
ngân hàng trung ương các nước ASEAN5 đã được các thống đốc ngân hàng trung ương
các nước ASEAN5 ký kết. Sáng kiến hợp tác này là của Indonesia trong năm chủ tịch
G20 năm 2022.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá cao các lợi ích và cơ hội tiềm năng từ
sáng kiến này nên đã chủ động và phối hợp với các ngân hàng trung ương ASEAN5
hoàn tất các thủ tục để chính thức trở thành thành viên thứ 6 của MoU. Việc
tham gia thỏa thuận này thể hiện cam kết hợp tác và hội nhập trong lĩnh vực
thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phù hợp với định hướng của Chính phủ,
SBV cũng như xu hướng hiện nay về thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới.
Sáng kiến này được đánh giá là một bước tiến lớn trong tiến trình hội nhập
kinh tế quốc tế của khu vực ASEAN, phù hợp với lộ trình đẩy mạnh giao dịch
thanh toán xuyên biên giới mà G20 đã đưa ra. Theo như dự kiến thì trong thời
gian tới, sáng kiến sẽ tiếp tục xem xét mở rộng mạng lưới thành viên để tạo thuận
lợi thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới, không chỉ là trong khu vực
ASEAN mà còn cả các quốc gia khác.
Từ lợi ích và cơ hội mà sáng kiến này đem lại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
tin tưởng rằng việc tham gia ký kết MoU lần này sẽ là động lực thúc đẩy phát
triển các hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch và nhiều lĩnh vực kinh tế
khác, góp phần hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 của các
doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
AT