Đây là dữ
liệu thống kê mới nhất từ Hải quan. Với mức xuất khẩu này đưa kim ngạch xuất khẩu
gạo 8 tháng lên gần 3,2 tỷ USD, tăng hơn 34% về giá trị.
Trong số
các thị trường nhập khẩu, Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Gana nhập khẩu
gạo của Việt Nam nhiều nhất với mức tăng trưởng 3% đến gần 1.500% so với cùng kỳ
năm ngoái.
4 tháng cuối năm nay, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn sẽ được thúc đẩy bởi số lượng đơn hàng hàng tốt từ nhiều thị trường mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại nguồn cung không đủ để đáp ứng.
Chia sẻ với
VnExpress, tổng giám đốc một doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết
quý IV, nguồn cung lúa gạo trên thị trường Việt không có nhiều thay đổi. Trong
khi năm nay, nhu cầu ở nhiều nước tăng đột biến. Nếu năm ngoái, Việt Nam xuất
khẩu đạt 7,2 triệu tấn gạo, trong đó, có thêm nguồn nhập bù từ Ấn Độ
500.000-700.000 tấn, 300.000 tấn từ Campuchia. Còn năm nay, nguồn nhập từ các
quốc gia này bị cắt giảm do lệnh cấm của Ấn Độ. Vụ lúa Thu Đông dù thời tiết
bình thường, sản lượng lúa gạo cũng chỉ tương đương năm 2022.
"Do
đó, cầu đang vượt cung nên việc các Bộ ngành kỳ vọng xuất khẩu vượt kế hoạch và
có thể đạt 7,5-8 triệu tấn khó khả thi", CEO doanh nghiệp trên nói.
Đồng quan
điểm, ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông
(ORICO) cũng cảm thấy lo lắng cho cân đối xuất khẩu trong năm nay.
Trước đó, tại hội nghị ở Cần Thơ đầu tháng 8, ông Việt Anh cũng dẫn số liệu từ USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đánh giá tỷ lệ tồn kho trên tỷ lệ tiêu dùng của Việt Nam chỉ khoảng 11% trong khi đó mức an toàn khoảng 22%. Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đến thời điểm này, con số chỉ còn 8,5%.
Ngoài ra,
theo ông Việt Anh, tình trạng đáng báo động hiện nay là doanh nghiệp đang đối mặt
với tình trạng nông dân bán sang tay quá nhiều. Số lượng cò lái tăng nhanh và họ
đang làm nhiễu loạn thị trường khiến cho nhiều doanh nghiệp bị nông dân "bẻ
kèo". Họ không chỉ mất tiền cọc mà không thu mua được lúa từ nông dân đã
liên kết trước đó.
Theo ông
Việt Anh, khi các doanh nghiệp không có gạo giao, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện
hợp đồng. Trong chuỗi này, nông dân được lợi khi giá lúa tăng nhưng doanh nghiệp
bất lợi hoặc thua lỗ quá lớn. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, ngoài tầm kiểm
soát của doanh nghiệp. Vì vậy, ông rất mong cơ quan chức năng có biện pháp bình
ổn thị trường.
Trong báo
cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ghi nhận
giá gạo tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương
lái, nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này khiến các
doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện
các hợp đồng đã ký.
Trong khi
giá gạo xuất khẩu quay đầu giảm nhiều ngày qua, giá lúa gạo trong nước vẫn tăng
cao. Hiện giá gạo trong nước cao hơn giá xuất khẩu 5-7%, tức tương đương
660-680 USD một tấn với loại 5% tấm.
VNE