Hết 11 tháng năm 2024, doanh thu xuất khẩu của toàn ngành da giày nước ta đạt 24,6 tỷ USD, trong đó, giày dép đạt 20,75 tỷ USD, tăng 12,9%, túi xách đạt 3,83 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ.
Theo số liệu từ Bộ Công thương và Tổng cục
Thống kê, xuất khẩu toàn ngành da giày tháng 11/2024 đạt 2,54 tỷ USD, đưa tổng
kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2024 đạt 24,6 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với
cùng kỳ năm ngoái. Hiện, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa
năm 2025.
Kết quả này ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ
so với mức thực hiện thấp của năm ngoái, khi chỉ cán đích 24 tỷ USD, giảm 14,2%
(tương ứng giảm 4 tỷ USD) so với năm 2022.
Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam
(Lefaso) cho hay, ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định
thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu.
Các thị trường có FTA như Trung Quốc, EU,
Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN đều có mức tăng trưởng khá trong 11 tháng qua.
Một số thị trường lớn như Mỹ, EU đều có mức
tăng trên 10%. Đặc biệt, năm nay Trung Quốc tiếp tục được xếp vào nhóm thị trường
xuất khẩu tỷ USD của ngành, chỉ xếp sau Mỹ, EU và chiếm 9% tỷ trọng.
Theo Lefaso, năm 2024, ngành da giày đã mở
rộng xuất khẩu sang một số thị trường ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông. Trong đó,
giày thể thao, mặt hàng thế mạnh của Việt Nam chiếm ưu thế, mặt hàng này cũng
có thể giúp xuất khẩu của ngành tăng trưởng nhanh và mạnh sang Trung Đông trong
ngắn hạn, cùng với sự thúc đẩy của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt
Nam-UAE (CEPA) giữa Việt Nam và UAE, cũng như FTA Việt Nam - Israel (VIFTA).
Nếu duy trì mức xuất khẩu như tháng 11,
toàn ngành da giày sẽ về đích với doanh số khoảng 27 tỷ USD, tăng thêm 3 tỷ USD
so với năm 2023.
Nhưng, tăng trưởng xuất khẩu khá của năm nay vẫn là so với nền thấp của 2023. Trước đó, năm cao điểm 2022, ngành da giày từng mang về doanh thu 28 tỷ USD và là năm có kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử xuất khẩu của ngành.
Dù có lợi thế là quốc gia đứng thứ 3 thế
giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu
giày dép, nhưng thách thức lớn nhất với ngành da giày lúc này là đáp ứng các
quy tiêu chuẩn mới mà nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra, đó là tính
bền vững trong sản xuất, yêu cầu về trách nhiệm xã hội...
Điển hình như thị trường EU, từ tháng
3/2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái
với các thiết kế bền vững. Hay như vấn đề truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng.
Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, chúng ta sẽ phải minh bạch toàn bộ quá
trình sản xuất tại khu vực sản xuất.
Những chính sách thay đổi của thị trường
nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành.
Da giày, túi xách là mặt hàng xuất khẩu chủ
lực của Việt Nam. Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, thực
thi, giúp Việt Nam tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với gần 230 thị trường.
Do vậy, chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới
các doanh nghiệp trong ngành.
Theo BĐT