Theo VASEP, trong tháng 7/2022, Việt Nam xuất khẩu cá tra sang các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diên và Tiến bộ cuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vẫn giữ mức tăng trưởng 3 con số với mức 123%, đạt trên 31 triệu USD. Nhìn chung, xuất khẩu sang các thị trường đều tăng mạnh, ngoại trừ New Zealand.

Riêng tại thị trường Canada tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, xuất khẩu sang các thị trường như Australia, Singapore, Malaysia và Chile đều tăng trưởng 3 con số, với tỷ lệ tăng từ 108 – 166% so với cùng kỳ năm 2021. Tại thị trường Nhật Bản, xuất khẩu cá tra cũng tăng 66%.

Trong 7 tháng đầu năm 2022 Việt Nam xuất khẩu sang khối các nước CPTPP đạt 211,4 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm hơn 13% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Hiện Mexico là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất trong khối CPTPP, đạt 72,6 triệu USD, tăng 70,9% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 34% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này. Việt Nam xuất khẩu sang Mexico chủ yếu là mặt hàng cá tra phile đông lạnh (chiếm 94%) và cá tra cắt khúc đông lạnh (chiếm 6%).

Sau Mexico, Canada là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai, đạt 40 triệu USD, chiếm 18,9%; Australia đạt 23,8 triệu USD, chiếm 11%; Nhật Bản đạt 21 triệu USD, chiếm 9,9%.

Theo VASEP, trong khi xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sang nhiều thị trường gặp nhiều bất ổn vì biến động tiền tệ và giá cước vận tải tăng cao thì xuất sang khối CPTPP lại ít chịu ảnh hưởng.

Hiện cá tra của Việt Nam đang được hưởng lợi thuế suất 0% theo CPTPP, đồng thời người tiêu dùng trong khối này đang có xu hướng chuyển dịch sang các sản phẩm cá có giá cả vừa phải hơn như cá tra. Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi để cá tra Việt xâm nhập sâu hơn vào khối thị trường.

MKA