Theo Cục Hàng hải Việt Nam nhận định những năm gần đây, ngành hàng hải thế giới đã chứng kiến những sự thay đổi lớn với tốc độ diễn ra rất nhanh. Những xu hướng mới đã và đang rất rõ nét, dự kiến sẽ tạo nên những cuộc cách mạng mới trong ngành hàng hải thế giới, theo đó, ngành hàng hải đang phát triển theo xu hướng ngày càng xanh hoá, tiết kiệm chi phí logistics.

Không chỉ trong toàn hệ sinh thái đầu – cuối của một sản phẩm hoàn chỉnh, kết nối từ nhà máy đến người tiêu dùng cuối cùng mà giờ đây, ngành hàng hải có thêm sự tích hợp với các tổ chức cung ứng lao động quốc tế, với nền tảng kỹ thuật số khiến các hoạt động giao thương, quản trị trở nên trơn tru hơn.

Xu hướng ngày càng xanh hơn cũng được thể hiện rõ nét. Các quy định siết chặt về khí thải, nhiên liệu của IMO, phát triển bền vững và ESG dự báo sẽ trở thành một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt và là một trong yếu tố quan trọng để định giá trong ngành hàng hải trong tương lai.

Cùng với đó, cuộc cách mạng 4.0 cũng tạo xu hướng ngày càng thông minh hơn. Dưới sự thúc đẩy của xu hướng tích hợp, mở rộng, thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành hàng hải đang chuyển mình mạnh mẽ sang mô hình hoạt động ngày càng thông minh hơn, các công nghệ được áp dụng… để tăng hiệu suất và tối ưu chi phí vận hành.

Ngoài ra, ngành hàng hải còn đi theo xu hướng ngày càng lớn hơn. Các liên minh hàng hải đã hình thành, cộng đồng cảng biển được kết nối chặt chẽ và không thể không nhắc đến đó là xu hướng tăng trọng tải tàu đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này yêu cầu cần có hệ thống hạ tầng kết nối như luồng lạch, hệ thống tiếp nhận như cảng nước sâu, siêu cảng cho các siêu tàu mẹ trong tương lai.

Điều này có thể thấy rõ trong thời gian qua, khi các tàu biển trọng tải lớn được ra đời ngày càng nhiều. Số lượng tàu trọng tải lớn tới cảng biển Việt Nam cũng ngày càng tăng.

Đối với Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định 2027/2020 để triển khai dự án thử nghiệm cảng xanh tại một số cảng biển từ năm 2023 và kế hoạch sẽ mở rộng mô hình này sang các cảng khác vào năm 2050.

Tại khu vực cảng biển Bà Rịa Vũng Tàu, thống kê cho thấy trong 5 năm qua, cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiếp nhận 3.540 lượt tàu có trọng tải lớn hơn công bố vào, rời bảo đảm an toàn. Số lượng tàu trọng tải lớn hơn công bố chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng số tàu ra vào khu vực. Cụ thể năm 2019, sản lượng tàu trọng tải lớn ra vào cảng biển Vũng Tàu đạt 722 lượt (chiếm 3,3% tổng số lượng tàu ra vào cảng), năm 2023 với tổng số 868 (chiếm 4,4% trong tổng số lượt tàu ra vào cảng). Trong đó, đã có nhiều lượt tàu trọng tải rất lớn trên 200.000 DWT ra vào cảng biển Cái Mép – Thị Vải.

 

Qua đó, có thể thấy khu bến cảng Cái Mép là khu cảng trung chuyển cửa ngõ quốc tế và trọng điểm của quốc gia với sự đầu tư có lộ trình, cùng với hạ tầng hàng hải tuyến luồng với độ sâu lớn có thể tiếp đón được các tàu có trọng tải lớn trên thế giới.

Ngoài ra, khu bến cảng Cái Mép – Thị Vải được quy hoạch với cỡ tàu đến 250.000 DWT nên việc tiếp tục đầu tư phát triển về hạ tầng hàng hải tại khu vực bến cảng Cái Mép – Thị Vải và nâng cao năng lực khai thác tại các bến cảng là mục tiêu quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng các điều kiện tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn.

Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải Đề án Nghiên cứu án nâng cao khả năng khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng và kết cấu hạ tầng hàng hải hiện hữu nhằm tăng cường khả năng phát triển cảng biển Việt Nam theo xu hướng, nắm bắt cơ hội vươn tầm thế giới.

Theo CNTTVN