Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống tạo điểm nhấn về kiến trúc gắn với quy hoạch các công trình hiện đại hai bên bờ sông.

Theo định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên địa bàn TP Hà Nội sẽ xây dựng thêm 10 cây cầu vượt sông Hồng.

Trong quy hoạch, thiết kế, cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5 được đầu tư với quy mô đường trục chính đô thị, tốc độ thiết kế 80km/h.

 

Vị trí dự kiến xây dựng cầu Ngọc Hồi. Ảnh: Bản đồ quy hoạch Hà Nội

Toàn bộ tuyến chính là cầu trên cao, cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng thép hoặc bêtông cốt thép dự ứng lực.

Dự án có điểm đầu tuyến lý trình Km0+00 (lý trình dự án): Kết nối với điểm cuối dự án đường Vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), cách cao tốc khoảng 360m về phía đê Hữu Hồng, thuộc địa phận huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Điểm cuối nghiên cứu dự án Km7+500 (lý trình dự án): Kết nối với đường Vành đai 3,5 trên địa phận huyện Văn Giang (Hưng Yên), cách đê tả Hồng 700m về phía cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tổng chiều dài tuyến nghiên cứu khoảng 7,5km, quy mô mặt cắt ngang 80m (riêng đoạn từ đê tả Hồng đến cuối tuyến 60m).

Trong đó, địa bàn TP Hà Nội từ đầu tuyến đến điểm ranh giới giữa xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và thị trấn Văn Giang (huyện Văn Giang, Hưng Yên) chiều dài 5,4km.

Địa bàn tỉnh Hưng Yên từ điểm ranh giới giữa xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và thị trấn Văn Giang (huyện Văn Giang, Hưng Yên) đến điểm vượt qua đê tả sông Hồng khoảng 700m, chiều dài 2,1km.

Công trình cầu Ngọc Hồi và đường hai đầu cầu thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, tổng mức đầu tư (dự kiến) là 11.700 tỉ đồng, trong đó trên địa phận TP Hà Nội là 8.960 tỉ đồng; địa phận tỉnh Hưng Yên là 2.740 tỉ đồng.

Địa điểm thực hiện dự án tại các huyện Thanh Trì, Gia Lâm (TP Hà Nội) và huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).

VNF