Cùng với vũ trụ ảo metaverse, Web 3.0 đang được kỳ vọng có thể trở thành tương lai của Internet vạn vật - nơi mọi giới hạn của Web 2.0 được xóa bỏ. Dù vẫn còn một số ý kiến nghi ngờ rằng Web 3.0 chỉ là định nghĩa được vẽ ra bởi giới đầu tư tiền mã hóa, xong tuyên bố mới đây của Google về mục tiêu phát triển Web 3.0 khiến nhiều người tin rằng đây sẽ không đơn thuần chỉ là lý thuyết suông.

Web 3.0 là gì?

Web 3.0 - thế hệ thứ 3 của Internet là tầm nhìn về một Internet thông minh không máy chủ bao gồm nhiều web phi tập trung kết nối với nhau. Tại đây, người dùng có thể kiểm soát dữ liệu và danh tính của chính mình, trong khi thông tin được xử lý nhanh gọn bởi các công nghệ máy học (ML), Dữ liệu lớn hay công nghệ sổ cái phi tập trung (DLT)...

Đúng như tên gọi, trước Web 3.0 đã có 2 phiên bản: Web 1.0 và Web 2.0. Sự khác biệt lớn nhất giữa 2 hệ thống nằm ở những cải tiến về khả năng tương tác, dù Web 2.0 vẫn có khá nhiều hạn chế. “Theo tôi, việc tập trung hóa, khai thác và sử dụng dữ liệu trong khi không có sự đồng ý của người dùng chính là bản chất của mô hình kinh doanh trên Web 2.0”, ông Charles Silver, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Permission.io cho biết.

Trong khi đó, Web 3.0 lại được tạo ra với mục đích trở thành một mạng Internet tự chủ, thông minh và cởi mở - khác xa so với thế hệ Internet hiện tại Web 2.0 vốn chỉ có thể lưu trữ dữ liệu trong các kho tập trung.

Có rất nhiều định nghĩa cho Web 3.0, song cốt lõi nằm ở sự phân quyền kiểm soát dữ liệu. Nghĩa là thay vì để Google, Apple, Microsoft, Amazon và Facebook (hiện tại là Meta) thâu tóm mọi thứ, Web 3.0 được cho là sẽ “dân chủ hóa’’ hơn trong việc bảo vệ và kiểm soát dữ liệu người dùng.

Bê bối thâu tóm dữ liệu, sự cố rò rỉ, mua bán dữ liệu quy mô lớn hay lợi dụng thông tin khách hàng để tạo vị thế độc quyền trên thị trường của một loạt các tập đoàn Big Tech càng giúp Web 3.0 được “tung hô’’ hơn. Mọi người khuyến khích nhau cùng tạo ra một thế hệ Internet mới dựa trên blockchain, nơi những người sáng tạo nội dung có thể trở thành chủ sở hữu dữ liệu độc quyền thay vì bị các ông lớn chi phối.

Google - Ông vua Web 2.0 tuyên bố phát triển Web 3.0

Mới đây, tuyên bố của Google, rằng tập đoàn này đang xem xét phát triển Web 3.0 và tích hợp công nghệ blockchain vào các sản phẩm càng khiến mọi sự chú ý đổ dồn vào thế hệ truyền nhân mới của Internet vạn vật.

“Chúng tôi đang tìm hiểu và xây dựng hệ sinh thái Web 3.0, đồng thời tăng giá trị cho chúng. Ví dụ như, nhóm Cloud của chúng tôi đang phát triển cách thức hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch trên nền tảng blockchain”, CEO Google cho biết.

Điều đáng nói ở đây, là Google được coi là ông hoàng của thế hệ Web 2.0 - nơi mọi dữ liệu người dùng được thu thập thông qua công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới. Cũng từ đó, Big Tech này có thể kiếm tiền từ việc định hướng quảng cáo và giúp các công ty khác bán thêm nhiều sản phẩm. Web 3.0 theo đó được cho là sẽ lật đổ những công ty như Google hay Facebook, do dữ liệu người dùng không thể tùy ý sử dụng được nữa.

Dẫu vậy, ông hoàng thế hệ Web 2.0 vẫn “dấn thân’’ vào một lĩnh vực có vẻ như “không hề màu mỡ’’ cho lắm. Theo CEO Pichai, Google có thể hưởng lợi từ công nghệ có mã nguồn mở - nơi Web 3.0 tập hợp rất nhiều.

Mới đây nhất, cuộc đua phát triển Web 3.0 còn có sự góp mặt của tỷ phú “liều ăn nhiều’’ Masayoshi Son. Công ty SoftBank của ông cùng Sequoia Capital India và nhiều nhà đầu tư khác đã rót 450 triệu USD vào Polygon, một giải pháp thứ cấp giúp mở rộng quy mô cho blockchain Ethereum.

Nguồn quỹ này sẽ được sử dụng để xây dựng các ứng dụng Web 3.0, bao gồm Polygon PoS, Polygon Edge và Polygon Avail. "Mục tiêu của Polygon là trở thành AWS của Web 3.0. Chúng tôi sẽ nỗ lực để phát triển trong không gian này’’, đại diện Polygon cho biết.

Vòng gọi vốn trên được cho là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự quan tâm ngày càng gia tăng đối với Web 3.0. "Web 3.0 được xây dựng trên các ý tưởng mã nguồn thuở sơ khai của Internet, giúp người dùng tạo ra giá trị và kiểm soát dữ liệu của chính mình. Ethereum, mở rộng bởi Polygon, sẽ là nền tảng cho giai đoạn tiếp theo của cách mạng Web’’, đồng sáng lập của Polygon, Sandeep Nailwaal cho biết.

Liệu Web 3.0 có thực sự là tương lai của Internet?

Trước đây, thế hệ Web 1.0 đầu tiên không có nhiều thuật toán để sàng lọc trang. Điều này khiến người dùng gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin. “Nói cách khác, nó giống như đường cao tốc một chiều với làn xe nhỏ hẹp vậy’’, trang CoinMarketCap trích lời một chuyên gia cho biết.

Không lâu sau, Web 2.0 ra đời với nhiều thuật toán, tiện ích hơn. Nền tảng tạo điều kiện cho người dùng sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, blog, qua đó gián tiếp giúp Web 2.0 bán dữ liệu cho bên thứ 3. Theo tạp chí Forbes, điều này khiến Internet trở thành kho dữ liệu khổng lồ, bị chi phối bởi các nền tảng tập trung như Google, Facebook, Amazon.

Chính vì vậy, sự ra đời của Web 3.0 - nền tảng giúp người dùng tiếp cận một mạng Internet công bằng, riêng tư hơn được kỳ vọng có thể trở thành tương lai của Internet vạn vật.

“Tính chất phi tập trung của Web 3.0 sẽ giúp mỗi cá nhân sở hữu và trả phí hợp lý cho thời gian và dữ liệu. Tuy nhiên, nền tảng mới này sẽ khiến những kho dữ liệu tập trung mất đi nguồn thu lớn lớn”, ông Charles Silver, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Permission.io cho biết.

Chỉ riêng trong năm 2021, các nhà đầu tư đã chi khoảng 27 tỷ USD để đầu tư vào các dự án Web 3.0 tiềm năng

Theo tạp chí Fortune, chỉ riêng trong năm 2021, các nhà đầu tư đã chi khoảng 27 tỷ USD để đầu tư vào các dự án Web 3.0 tiềm năng. CEO Mark Zuckerberg cũng tuyên bố ưu tiên của họ là xây dựng và phát triển vũ trụ ảo metaverse - một phần của định nghĩa Web 3.0.

“Tôi nghĩ rằng nhiều tính năng từ Web 3.0 được thiết kế cho việc tương tác. Điều đó giúp giảm thiểu lỗ hổng giữa các ứng dụng và mang lại trải nghiệm liền mạch hơn cho người dùng”, Mark Zuckerberg cho biết. “Cũng giống như NFT, nền tảng Web 3.0 và metaverse chính là bước tiến tiếp theo trong việc tương tác, liên hệ và giao tiếp”

Những hạn chế và thách thức khi phát triển Web 3.0

Tuy vậy, việc thay đổi toàn bộ tương lai Internet không phải là câu chuyện “cổ tích”, bởi chỉ riêng vấn đề cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng trải nghiệm người dùng cũng có thể mất đến hàng thập kỷ. CEO Tesla – tỷ phú Elon Musk bày tỏ: “Tôi không nói rằng Web 3.0 không khả thi, nhưng nó đang được người ta thổi phồng quá mức. 10, 20 hay 30 năm nữa thì may ra. Có thể 2051 sẽ là thời điểm đỉnh cao của Web 3.0”.

Một số chuyên gia còn bày tỏ quan ngại về tính phi tập trung của Web 3.0. Theo cựu CEO Twitter Jack Dorsey, “Bạn không hề sở hữu Web 3.0. Các quỹ đầu tư và công ty công nghệ mới là chủ nhân của nó. Vòng lặp này sẽ không bao giờ kết thúc. Web 3.0 sẽ không có nhiều thay đổi, chỉ là được dán mác khác đi thôi’’.

Nhiều người cũng cho rằng việc dùng blockchain để chống lại sự xâm phạm dữ liệu cá nhân không phải là giải pháp tối ưu. Người dùng thậm chí sẽ phải đối mặt với rủi ro cao rò rỉ dữ liệu cao hơn từ chính những chuỗi khối này.

“Web 3.0 như một phần mềm độc hại vậy. Đây chỉ là lý thuyết và không hề thực tế chút nào. Mọi người chỉ đang vẽ ra Web 3.0 để giải quyết những thứ người dùng không thích ở Internet hiện tại”, ông James Grimmelmann, Giáo sư Công nghệ tại Đại học Cornel cho biết.

Huệ Anh - DNTT