Hội chợ dệt
may Bharat Tex 2024 đã thu hút hơn 3.500 nhà triển lãm, 3.000 người mua, 40.000
khách tham quan từ hơn 100 quốc gia và các nhà hoạch định chính sách và CEO
toàn cầu.
Phát biểu
khai mạc Hội chợ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết Bharat Tex 2024 là cầu
nối giữa di sản dệt may truyền thống của Ấn Độ và những tiến bộ công nghệ hiện
đại; khẳng định chính sách tăng cường phát triển ngành dệt may, tập trung vào
“truyền thống, công nghệ, tài năng và đào tạo”; nhấn mạnh tầm nhìn 5F (Farm to
Fiber, Fiber to Factory, Factory to Fashion, Fashion to Foreign) là sự thống nhất,
kết nối từ trang trại tới xuất khẩu, tập trung vào các sản phẩm, công nghệ sợi,
vải và thời trang, bao trùm toàn bộ chuỗi giá trị dệt may. Chính phủ Ấn Độ hỗ
trợ ngành dệt may phát triển thông qua các “Sáng kiến Bông Kasturi”, “Sứ mệnh Dệt
may kỹ thuật quốc gia” và thành lập Khu Công viên Dệt may Tích hợp (PM MITRA) ở
07 bang khác nhau với mục tiêu đến năm 2030, sản xuất dệt may Ấn Độ đạt 250 tỷ
USD và xuất khẩu đạt 100 tỷ USD.
Hội chợ
Bharat Tex 2024 được đánh giá là một sự kiện quan trọng trong việc nâng cao tầm
nhìn của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về
Ấn Độ tự cường (Aatmanirbhar Bharat và Viksit Bharat), nhằm thể hiện sức mạnh của
Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may và tái khẳng định vị thế của Ấn Độ như một cường
quốc dệt may toàn cầu. Hội chợ Bharat Tex 2024 có hơn 65 phiên hội thảo với hơn
100 diễn giả toàn cầu thảo luận về các vấn đề khác nhau mà ngành này phải đối mặt. Các gian hàng tại Hội chợ trưng bày toàn bộ
chuỗi giá trị dệt may như các bộ sưu tập về thời trang, trang phục và phụ kiện;
nội thất gia đình và thảm trải sàn; Xơ - Sợi, Len, Chỉ, Thảm, Tơ lụa, Dệt may
Thủ công mỹ nghệ, Vải thủ công, Vải tổng hợp, Vải Rayon và Cotton, Đay, Quần áo
len, Dệt may Kỹ thuật … , đồng thời cũng có các gian hàng thử nghiệm công nghệ
sản xuất, in ấn và trình diễn sản phẩm, thuyết trình về các chủ đề đa dạng như
Di sản Dệt may Ấn Độ, tính bền vững và thiết kế toàn cầu của các sản phẩm may mặc.
Trong
khuôn khổ Hội chợ Bharat Tex 2024, với sự kết nối, hỗ trợ của Thương vụ Việt
Nam tại Ấn Độ, đoàn hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự các hoạt động xúc
tiến thương mại, gặp gỡ người bán – người mua, tham dự các buổi hội thảo, tìm
kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Đây là cơ hội tốt để doanh
nghiệp Việt Nam trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội kinh
doanh và tìm hiểu, trao đổi về các xu hướng thời trang mới nhất và xu hướng
tiêu dùng mới của Ấn Độ, khu vực Nam Á và Thế giới, góp phần thúc đẩy hợp tác
trong lĩnh vực may mặc – thời trang giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Theo TVVNTAĐ