Thời điểm này, các bộ, ngành, địa phương đang theo dõi sát diễn biến tình
hình thị trường, thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết
yếu phục vụ nhu cầu người dân những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán
2024.
Các doanh nghiệp đã chủ động bắt tay vào sản xuất, phân phối nhằm cung ứng
cho thị trường nguồn hàng dồi dào với giá hợp lý.
Nhanh chóng chuẩn bị hàng hóa
Chia sẻ về nguồn thực phẩm cung cấp cho thị trường dịp cuối năm, Phó Tổng
Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) Phan Văn Dũng cho biết,
các dây chuyền nhà máy của công ty đang chạy tối đa công suất nhằm đạt chỉ tiêu
sản lượng cho cuối năm nay.
Theo đó, Vissan đã xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022 và 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hóa lên tới hơn 540 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn thực hiện dự trữ từ 10 - 20% sản lượng hàng hóa để dự phòng các trường hợp thiếu hụt hàng hóa cung ứng cho thị trường.
Thông tin về công tác dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán
Giáp Thìn 2024, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thùy Dương cho
hay, đơn vị đã làm việc từ sớm với các nhà cung ứng lớn, chốt sản lượng tất cả
các mặt hàng chủ lực.
Khoảng 1 tháng nữa, lượng hàng hóa Tết tại hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp
sẽ về đầy kho, nhất là các sản phẩm nông sản chất lượng cao, đặc sản vùng miền.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tích cực tham gia chương trình bình ổn giá các mặt
hàng thiết yếu của TP Hà Nội. Dự kiến, hàng bình ổn giá chiếm hơn 30% trong tổng
lượng hàng hóa phục vụ Tết của đơn vị.
Còn theo Giám đốc Saigon Co.op miền Bắc Lê Văn Liêm, từ đầu tháng 10/2023,
hệ thống siêu thị Co.op mart đã làm việc với nhiều nhà cung cấp nhằm bảo đảm
nguồn cung ổn định. Nguồn hàng hóa Tết dự kiến tăng từ 10 - 15% (một số nhóm
hàng tăng dự trữ từ 30 - 50%) so với năm 2023, được tập trung tại 7 kho trung
tâm.
Đơn vị cũng tích cực tham gia chương trình bình ổn giá với hơn 50 điểm bán
hàng bình ổn tại thị trường Hà Nội và miền Bắc, cũng như chủ động đưa ra nhiều
chương trình khuyến mãi và kích cầu mua sắm cuối năm cho người tiêu dùng. Các
chương trình này sẽ được thực hiện từ cuối tháng 11/2023 đến cuối tháng 1/2024.
Ngoài ra, Co.op Mart cũng tổ chức bán hàng lưu động, đưa hàng tiêu dùng thiết yếu
về vùng sâu, vùng xa, phục vụ người dân với giá hợp lý.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã chỉ
đạo các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết có kế
hoạch sản xuất, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng ít nhất 30%
ngoài kế hoạch của TP giao.
Khi nhu cầu thị trường tăng cao có thể gây ra tình trạng tăng giá đột biến.
Do đó, Hà Nội đang tập trung triển khai thực hiện chương trình Bình ổn giá các
mặt hàng thiết yếu. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đã cam kết bình ổn
giá hàng hóa, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như gạo, thịt lợn, thủy, hải sản...
Còn tại TP Hồ Chí Minh, để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, Sở Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2024. Bên cạnh đó, TP đang triển khai Chương trình Bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình áp dụng cho 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, với khoảng 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia lượng hàng bình ổn chiếm từ 23 - 31% nhu cầu thị trường.
Kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường
Nói về các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu
mua sắm, tiêu dùng của người dân vào dịp cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ
Thắng Hải thông tin: bộ đã chỉ đạo UBND, Sở Công Thương các tỉnh, TP trực thuộc
Trung ương thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường
cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các địa phương và nhiều doanh nghiệp đã có
kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân với giá cả hợp lý.
Khảo sát của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, những
tháng tới, giá cả hàng hóa thiết yếu trong nước sẽ không có biến động bất thường.
Đáng chú ý, năm nay, người dân, nhất là những hộ có thu nhập trung bình sẽ có
xu hướng tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu; các cửa hàng, chợ, siêu thị mở cửa
xuyên các dịp lễ và mở cửa trở lại sớm sau Tết Nguyên đán nên nhu cầu dự báo
không tăng đột biến.
Hiện có một số yếu tố như Nga và Saudi Arbia cắt giảm nguồn cung, dự trữ
xăng dầu của một số nước lớn sụt giảm có thể làm giá xăng dầu thế giới đảo chiều,
tăng giá vào những tháng cuối năm. Vấn đề biến động giá mặt hàng lúa gạo cũng ảnh
hưởng đến việc vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa đáp ứng xuất khẩu. Do đó,
các bộ, ngành cần tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, đánh giá các tác động
để chủ động có giải pháp kịp thời, phù hợp.
“Giá cả dịp cuối năm được dự báo tăng theo quy luật thị trường, song, giá không tăng cao và bất thường. Các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường vẫn luôn cam kết bán giá ổn định, hoặc thấp hơn thị trường 5 - 10%. Trong trường hợp tăng giá do chi phí vận chuyển, nguyên liệu tăng, doanh nghiệp sẽ có báo cáo đến Sở Tài chính” - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết.
Để góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Trong tháng 10/2023, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ NN&PTNT về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ, quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Cùng với đó, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương
kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa, không để đứt
gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp có diễn biến bất thường.
Khuyến nghị về giải pháp quản lý, kiểm soát nguồn hàng hóa, TS Vũ Vinh Phú
cho rằng, Bộ Công Thương cần phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các
chương trình kích cầu thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản
vùng miền vì đây là nhóm mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp cuối năm và Tết
Nguyên đán. Song song đó, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra cơ sở kinh
doanh, chợ đầu mối bán buôn, bán lẻ, chợ trung tâm thương mại, kho cũng như giá
bán để nắm nguồn cung, giá bán kịp thời. Từ đó, có biện pháp xử lý hành vi găm
hàng, đầu cơ gây ảnh hưởng giá cả thị trường.
Bộ chỉ đạo các doanh nghiệp tiết giảm
chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của
các nhà cung cấp và theo thị trường nhằm cung ứng hàng hóa cho thị trường với
giá hợp lý. Đặc biệt, cần phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn có phương
án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết.
Song song, quan tâm đến biến động giá xăng, dầu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
bày tỏ lo ngại giá xăng, dầu đang có xu hướng tăng, nhất là trong bối cảnh cuộc
xung đột Hamas - Israel đang diễn ra. Do đó, đối với công tác điều hành giá
xăng, dầu trong nước, liên Bộ Công Thương - Tài chính phải có tính toán và sử dụng
linh hoạt công cụ bình ổn giá xăng, dầu.
“Nhiệm vụ quan trọng nhất là Bộ
Công Thương và Bộ Tài chính bám sát diễn biến tình hình thế giới để tham mưu điều
hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng, dầu
nhằm góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
KTDT