Ông Vũ Tú Thành- Phó Giám đốc điều hành Hội
đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN cho hay, nhiều thành viên trong Hội đồng đang có
nhu cầu, thậm chí đang xúc tiến mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Ông Thành ví dụ, ở khu phía Bắc, một công ty lớn trong lĩnh vực chế tạo linh kiện điện tử có nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Thăng Long cách đây 2 năm đã đầu tư mở rộng sản xuất, tăng quy mô xuất khẩu lên gấp 4 lần, đạt khoảng 200-240 triệu USD/năm. “Hiện họ đang tìm địa điểm để mở nhà máy sản xuất nữa. Khu công nghiệp Thăng Long đã hết đất, buộc doanh nghiệp phải đi tìm nơi mới với nhu cầu từ 7-10ha”, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN cho biết.
Tương tự, một doanh nghiệp ở khu vực phía
Nam sản xuất OEM cho khách hàng nước ngoài trong lĩnh vực điện tử quy mô xuất
khẩu 2 tỷ USD/năm, có nhà máy sản xuất trong khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.
“Họ nói rằng khách hàng gia tăng áp lực, bắt buộc phải gia tăng công suất",
ông Thành cho biết thêm.
Hay một trong những doanh nghiệp sản xuất
đồ chơi lớn trên thế giới cũng đang tìm cách nâng công suất sản xuất ở Việt Nam
thêm 10%.
Theo ông Thành, nguyên do khiến nhiều
doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chế biến chế tạo tìm cách mở rộng sản xuất là bởi
các thương hiệu lớn trên thế giới tạo áp lực gia tăng công suất sản xuất ngoài
Trung Quốc. “Vì sao, họ nhìn vào chính trị nước Mỹ thấy rằng, thuế cho hàng
hoá sản xuất tại Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ sẽ tăng hơn rất nhiều trong thời
gian tới”, ông Thành nêu.
Từ nhu cầu tăng năng lực sản xuất của các
doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có thể thấy xu hướng dòng vốn đổ vào ngành sản xuất
của Việt Nam sẽ tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia làm thế nào
để Việt Nam có thể thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao, đồng thời định vị được
nguồn lực cho phát triển kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, ở góc nhìn doanh
nghiệp, ông Thành cho rằng, đầu tiên phải xác định nguồn lực thu hút để làm gì
trong 5-10 năm tới. Nếu nhìn vào con số thu hút đầu tư nước ngoài trong thời
gian qua có thể thấy, trên 70% dòng vốn đi vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. “Rõ
ràng khu vực này đang rất cần nguồn lực và dòng vốn đang đổ vào đó”, ông Thành
nhận định.
Muốn phát huy được hết tiềm năng của khu vực
chế biến chế tạo trong nền kinh tế, cần giải quyết các điểm nghẽn liên quan như
năng lượng, nhân lực, cơ sở hạ tầng, logicstic.
“Zoom” cụ thể hơn vào lĩnh vực năng lượng,
đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN, phản ánh, để đầu tư một nhà máy điện
quy mô vốn khoảng 1 tỷ USD, nhà đầu tư đòi hỏi phải có bảo lãnh Chính phủ.
Nhưng cấp bảo lãnh Chính phủ liên quan đến nợ công. Để tháo gỡ vấn đề này, nhà
đầu tư đã chuyển hướng sử công cụ tài chính tương đối sáng tạo là dùng hợp đồng
mua bán điện dài hạn để làm căn cứ vay vốn ngân hàng… Chính phủ có thể cân nhắc
cung cấp những văn bản tương tự như vậy để thu hút nhà đầu tư.
Trên thực tế, việc mở rộng năng lực sản xuất, chuyển đổi xanh trong sản xuất không chỉ tồn tại ở khu vực doanh nghiệp FDI. Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước muốn chuyển đổi để đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn phát triển bền vững của các thị trường nhập khẩu.
Tổng Công ty May 10- CTCP là một ví dụ.
Ông Thân Đức Việt- Tổng Giám đốc May 10 cho biết, việc chuyển đổi về năng lượng,
cụ thể sử dụng điện mặt trời mái nhà trong sản xuất là điều kiện quan trọng để
doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí năng lượng xanh.
“Sau 2 năm nghiên cứu, cân nhắc, May 10 chọn
một quỹ đầu tư của Pháp để đầu tư. Họ lắp đặt thiết bị trên hệ thống mái nhà xưởng
sản xuất của doanh nghiệp trong vòng 20 năm mà May 10 không mất một đồng vốn
nào. Nhà đầu tư bán điện cho May 10 với giá rẻ hơn”, ông Việt cho hay. Đồng thời
thông tin, nhà đầu tư sẽ thu hồi vốn sau 10 năm, 10 năm còn lại là lợi nhuận.
“Chúng tôi mong muốn trong nước cũng có những
quỹ đầu tư tương tự để đồng hành hỗ trợ giúp doanh nghiệp không phải tự mày mò
tìm đối tác nước ngoài”, ông Việt đề xuất.
Mặt khác, tài chính xanh là vấn đề doanh
nghiệp rất cần để đáp ứng xu hướng chuyển đổi xanh nhưng không chỉ May 10, rất
nhiều doanh nghiệp khác chưa vay được nguồn vốn này. “Tại sao các ngân hàng
trong nước, Chính phủ không xây dựng những quỹ này. Rõ ràng quỹ này rủi ro
không lớn, nếu rủi ro lớn chắc chắn các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ không đầu tư”,
ông Việt băn khoăn.
Việc thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao
hoặc dòng vốn nói chung cho phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là cần
thiết. Bởi đây vẫn được xác định là ngành giữ vai trò động lực phát triển của nền
kinh tế. Theo các chuyên gia, để có được nguồn vốn chất lượng cao bên cạnh sự
tham gia của các tổ chức tín dụng, định chế tài chính hơn hết cần một môi trường
đầu tư kinh doanh minh bạch, thông suốt với sự hỗ trợ hữu hiệu của những mô
hình chính sách đặc thù.
Theo BCT