Vừa qua, CTCP Bibica cho công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 với nhiều điểm đáng chú ý.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Bibica đạt 236,7 tỷ đồng, giảm 21,5 % so với quý 1/2022. Lợi nhuận gộp của công ty giảm 12,4% xuống còn 67,4 tỷ đồng mặc dù giá vốn hàng bán ghi nhận mức giảm đáng kể 24,7% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty đạt 10,2 tỷ đồng, tăng mạnh 70% so với thực hiện của quý 1/2022. Chi phí tài chính tăng 11 lần, từ 270,3 triệu đồng lên 3 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 15% xuống còn 51 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 11,1% lên 21,1 tỷ đồng.

Khấu trừ thuế, phí, Bibica báo lãi quý 1/2023 ở mức 3 tỷ đồng, sụt giảm 97,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong văn bản giải trình, Bibica cho biết cùng kỳ doanh nghiệp có phát sinh doanh thu khác từ hoạt động chuyển nhượng tài sản cùng với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao làm cho lợi nhuận của công ty sụt giảm mạnh.

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Bibica ghi nhận con số 1.951,4 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,4% so với đầu năm. Chiếm phân nửa trong số đó là 1.136,7 tỷ đồng tài sản dài hạn bao gồm tài sản cố định 641,4 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn 200 tỷ đồng và chi phí trả trước dài hạn 205,7 tỷ đồng...Nửa còn lại là 814,7 tỷ đồng tài sản ngắn hạn bao gồm khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 410,1 tỷ đồng; khoản phải thu ngắn hạn 131,2 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền 76,4 tỷ đồng.

Tại cuối quý 1/2023, hàng tồn kho của công ty tăng 19,1% lên 134 tỷ đồng, chủ yếu tới từ 76,7 tỷ đồng thành phẩm, hàng hoá; 35,7 tỷ đồng nguyên liệu, vật liệu và hơn 24 tỷ đồng công cụ, dụng cụ.

Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Bibica là 585,1 tỷ đồng, tăng 20,1% so với thời điểm cuối năm ngoái, phần lớn là 569,2 tỷ đồng nợ ngắn hạn bao gồm vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 383,3 tỷ đồng; phải trả người bán ngắn hạn 76,8 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, tại Đại hội Cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra ngày 21/4, Bibica đặt kế hoạch doanh thu thuần năm nay là 1.850 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Còn mục tiêu lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 31%, từ mức 73,4 tỷ đồng lên 96 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bibica định hướng chú trọng phát triển vào 6 nhãn hàng như như bánh bông lan Hura, bánh biscuits Goody, bánh cracker Gooka, kẹo cứng Migita, kẹo mềm Ahha và kẹo dẻo Zoo để có thể gia tăng lợi nhuận cho công ty.

Ở một diễn biến liên quan, vào tháng 5/ 2022, CTCP Tập đoàn PAN đã hoàn tất sở hữu 98,31% vốn điều lệ của CTCP Bibica thông qua việc mua thành công 7,342 triệu cổ phiếu BBC với giá 71.000 đồng/cp với mức đầu tư 524,1 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, tổng giá trị PAN đầu tư vào Bibica là hơn 1.226 tỷ đồng.

CTCP Bánh Kẹo Biên Hòa (với thương hiệu Bibica) có tiền thân là phân xưởng kẹo của nhà máy Đường Biên Hòa (nay là CTCP Đường Biên Hòa) được thành lập từ năm 1990.

Các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của công ty gồm sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước trên các lĩnh vực về công nghiệp chế biến bánh - kẹo - nha; xuất khẩu các sản phẩm bánh - kẹo - nha và các loại hàng hóa khác; nhập khẩu các thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất của công ty.

MKA