Mới
đây, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học
“Chiến lược phát triển ngành công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh gắn với các
lĩnh vực công nghiệp ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược thuộc Nghị quyết số
98/2023/QH15 của Quốc hội (Nghị quyết 98)”.
Tiến
sĩ Phan Thụy Kiều (Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh) cho biết:
Ngành công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh được định hướng phát triển theo chiều
sâu, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững; gắn kết phát triển công
nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng.
Mục
tiêu giai đoạn năm 2024-2025, tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm trên địa
bàn (GRDP) thành phố đạt khoảng 18-20%. Trong đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến,
chế tạo đạt trên 90%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong
các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 15%; tốc độ tăng trưởng giá trị gia
tăng công nghiệp đạt bình quân 7-9%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công
nghiệp đạt bình quân 6,5-7%/năm.
Giai
đoạn này, xây dựng được doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có
năng lực cạnh tranh quốc tế. Chuyển đổi thành công thí điểm 5 KCN, KCX Tân Thuận
(sang lĩnh vực công nghệ cao), Tân Bình (sang mô hình khu công nghiệp - dịch vụ),
Bình Chiểu (sang công nghiệp hỗ trợ, hậu cần logistics), Cát Lái (sang chuyên
ngành logistics) và Hiệp Phước (sang mô hình khu công nghiệp sinh thái).
Đến
năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt khoảng 20-22%. Trong giai đoạn
này, thành phố đặt mục tiêu tiếp tục chuyển đổi thành công 12 KCN, KCX còn lại
sang mô hình mới chuyên sâu. Đồng thời, hình thành 4-5 KCN mới theo mô hình
chuyên ngành công nghệ cao, trong đó hình thành mới 1 khu công nghệ cao (nâng tổng
số 2 khu công nghệ cao).
Tiến
sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc
gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, cần chú trọng
đi vào kinh tế xanh, kinh tế số. Thành phố cần tìm các ngành công nghiệp phù hợp,
có lợi thế để phát triển.
“Các
ngành công nghiệp của thành phố rất đa dạng nhưng không có “những con sếu đầu
đàn”; thiếu những doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt. Những nhược điểm này,
thành phố cần khắc phục trong thời gian tới để bước ra biển lớn”, Tiến sĩ Trần
Du Lịch nhấn mạnh.
Kết
thúc tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh
Trương Minh Huy Vũ nhấn mạnh: Chiến lược phát triển công nghiệp thành phố theo
hướng tái cấu trúc, xu hướng mới, đây là quá trình được lãnh đạo thành phố, các
sở, ngành nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến... để đến nay có dự thảo kế hoạch.
“Trong
phát triển công nghiệp thành phố, nổi bật lên ngành công nghiệp Metro, nhóm
ngành đầu tư chiến lược, đầu tư về công nghệ, con người với phương châm nhanh
chóng đưa ra được các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu phát triển”, ông Vũ nhấn mạnh.
Hơn
30 năm tiên phong triển khai thực hiện mô hình KCX, KCN, đến nay thành phố Hồ
Chí Minh đã có 3 KCX, 14 KCN hoạt động, với tổng diện tích 3.900ha, thu hút hơn
1.694 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 12,4 tỷ USD.
Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm hơn 55,6%.
HNM