Tin tức trên tờ Nikkei mới đây cho
biết, Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan đã có giấy phép 1 năm để tiếp tục
đặt hàng các dây truyền thiết bị sản xuất chip từ Mỹ để mở rộng tại Trung Quốc
sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cứng rắn nhằm ngăn chặn
tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.
Theo đó, CC Wei - Giám đốc điều
hành của nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới xác nhận rằng Hãng đã
được cấp giấy phép 1 năm cho cơ sở sản xuất tại Nam Kinh Trung Quốc.
Nguồn tin cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ
đảm bảo TSMC có thể vận chuyển thiết bị đến cơ sở sản xuất ở thành phố Nam
Kinh, có nghĩa là kế hoạch mở rộng phạm vi sản xuất của công ty tại Trung Quốc
sẽ vẫn được duy trì.
Trước đó, Mỹ đã quyết định áp dụng
các quy tắc hạn chế xuất khẩu đối với Trung Quốc với mục tiêu cản trở hầu hết mọi
khía cạnh của sự phát triển chất bán dẫn tại quốc gia này. Những quy định này
không chỉ ngăn cản các nhà sản xuất công cụ chip của Mỹ hỗ trợ sản xuất chip
cao cấp ở Trung Quốc mà còn cấm các công ty từ các nước thứ ba, chẳng hạn như
TSMC, sử dụng thiết bị do Mỹ sản xuất để phục vụ khách hàng Trung Quốc trong một
số trường hợp nhất định trừ khi được Mỹ chấp thuận.
Trong báo lợi nhuận ròng vừa mới
được TSMC công bố cho biết, Lợi nhuận quý 3/2022 của Hãng đã đạt con số cao nhất
từ trước tới nay là 8,81 tỷ USD, trong đó tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty
cũng ở mức cao kỷ lục 60,4%.
Việc mở rộng dây chuyền sản xuất
chip ở Trung Quốc đang là một trong những kế hoạch phát triển trọng tâm của
TSMC, phục vụ cho việc sản xuất loại chip 22/28 nm. Nhà máy chip Nam Kinh được
xem là một trong những dây chuyền sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất của TSMC
ở Trung Quốc. Cơ sở này được khai trương vào năm 2018, sản xuất cả chip ở công
nghệ 16 nm, thuộc phạm vi kiểm soát xuất khẩu mới nhất của Washington.
Công ty cho biết họ sẽ cắt giảm
chi tiêu vốn năm 2022 xuống 36 tỷ USD, từ khoảng 40 tỷ USD dự báo trước đó, một
phần do nhu cầu về điện thoại thông minh và PC đang suy yếu.
Theo CEO - Wei cảnh báo rằng ngành
công nghiệp bán dẫn toàn cầu có thể sẽ suy giảm vào năm 2023 do suy thoái thị
trường và các vấn đề kinh tế vĩ mô, nhưng cho biết công ty của ông vẫn có thể "phát triển" trong thời kỳ suy
thoái nhờ khả năng phục hồi và dẫn đầu về công nghệ. CEO chia sẻ: “Chúng tôi
nghĩ rằng việc điều chỉnh lượng hàng tồn kho sẽ mất một vài quý, cho đến nửa đầu
năm sau, để cân bằng lại ở mức sản lượng cung cầu”.
Giá trị vốn hóa thị trường của
TSMC đã giảm hơn 1 nghìn tỷ Đài tệ khi Mỹ công bố áp dụng các biện pháp và quy
tắc kiểm soát xuất khẩu chíp.
Trung Quốc là thị trường chiếm khoảng
10% doanh thu của TSMC vào năm 2021, giảm từ mức 17% vào năm 2020.
Một nhà sản xuất chip khác, công
ty SK Hynix của Hàn Quốc cho biết họ cũng được chính phủ Mỹ miễn trừ các hạn chế
trong vòng 1 năm, để sử dụng thiết bị chip của Mỹ ở Trung Quốc, nghĩa là vẫn để
mở con đường sản xuất và hoạt động tại quốc gia này.
Mặc dù vậy, các hạn chế của Mỹ vẫn
sẽ ảnh hưởng và tác động đến TSMC, bởi một số sản phẩm như bộ xử lý AI và đồ họa
tiên tiến không thể đưa vào sản xuất. Các khách hàng chủ chốt của TSMC tại Mỹ,
bao gồm Nvidia và Advanced Micro Devices, cũng không thể xuất xưởng bộ xử lý đồ
họa (GPU) cao cấp để sử dụng tại thị trường Trung Quốc.
Mark Li, nhà phân tích của Sanford
C. Bernstein, cho biết các quy tắc của Mỹ áp dụng cho cấp đơn vị xử lý đồ họa
tiên tiến nhất cho các ứng dụng AI và siêu máy tính, và ước tính rằng chưa đến
0,5% doanh thu TSMC cho năm 2023 sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu các quy định được
thắt chặt hơn nữa (áp dụng cả chip dành cho CPU và GPU của trung tâm dữ liệu điều
đó có thể ảnh hưởng tới 5% doanh thu của TSMC trong năm tới theo ước tính của Bernstein.
CEO Wei của TSMC vẫn tỏ ra rất lạc
quan, ông cho rằng các tác động từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ vẫn
có thể kiểm soát được.
Trong báo cáo lợi nhuận quý 3, Doanh
thu của TSMC đạt 613,14 tỷ Đài tệ, tăng 47,8% so với một năm trước, và kế hoạch
ước tính quý 4 năm nay Hãng sẽ đạt từ 19,9 tỷ đô la đến 20,7 tỷ đô la, đưa
doanh thu cả năm lên 76,26 tỷ đô la đạt mức tăng trưởng mục tiêu 30%.
Theo Nikkei