Theo Nikkei đưa tin, Các công ty, tập đoàn khai
thác than lớn của Trung Quốc đang tăng sản lượng trong năm nay khi chính phủ tập
trung vào việc nới lỏng giá năng lượng để củng cố nền kinh tế trong một chính
sách được cho là đang đi ngược với mục tiêu giảm phát thải carbon nhà kính.
China Shenhua Energy đã nhận được sự chấp thuận
để mở rộng công suất than hàng năm thêm 4,6 triệu tấn. Giấy phép được áp dụng
cho các mỏ Shenshan và Huangyuchuan ở khu tự trị Nội Mông cũng như mỏ
Qinglongsi ở tỉnh Tây Bắc Thiểm Tây, theo một thông báo cuối tháng 4.
Tổng công suất của ba mỏ than sẽ tăng 30% lên
18,2 triệu tấn. Điều này xảy ra sau khi Shenhua Energy nâng sản lượng trong quý
đầu tiên.
Shenhua Energy, một công ty con đã niêm yết thuộc
Tổng công ty đầu tư năng lượng Trung Quốc, mới đây đã công bố kết quả kinh
doanh với mức tăng doanh thu 24% và lợi nhuận rongf tăng đột biến 63% so với
cùng kỳ năm trước trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay nhờ vào việc
giá than tăng mạnh.
Các công ty khai thác ngành than Trung Quốc
được cho là đang tìm mọi cách để thúc đẩy sản xuất và nâng công suất nhằm tăng
nguồn cung trong quý 2 năm 2022. Chẳng hạn, mới đây Công ty điện lực và công
nghiệp than Cam Túc Jingyuan – doanh nghiệp sản xuất than trọng điểm thuộc tỉnh
Cam Túc đang lên kế hoạch mua lại công ty đối thủ lớn của hãng là Yaojie Coal
and Power.
Chủ tịch Tập Cận Bình, trong một bài phát biểu
trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm 2020, đã tuyên bố rằng Trung
Quốc đặt mục tiêu "có mức phát thải
carbon dioxide cao nhất trước năm 2030 và đạt được mức trung lập carbon trước
năm 2060". Quốc gia này đã chuyển sang hạn chế việc sử dụng sản xuất
nhiệt điện bằng than.
Nhưng Bắc Kinh đã thay đổi hướng đi vào tháng
4, và đang tìm cách nâng công suất lên hơn 300 triệu tấn trong năm nay. Điều đó
sẽ làm tăng sản lượng than năm 2022 lên ít nhất 4,4 tỷ tấn, hoặc ít nhất 7% so
với năm ngoái.
Để phù hợp với chương trình nghị sự của chính
quyền trung ương, chính quyền khu vực đã yêu cầu các công ty than tăng cường sản
xuất. Tỉnh Sơn Đông ở miền đông Trung Quốc cho biết sản lượng sẽ tăng 2% lên 95
triệu tấn trong năm nay. Các tỉnh Sơn Tây và Hà Nam đã ban hành chỉ thị sản xuất
thêm than và ổn định nguồn cung.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang thúc đẩy
việc mở rộng năng lực. Ngân hàng trung ương vào tháng 5 đã nâng giới hạn tái cấp
vốn để nâng sản lượng và dự trữ lên 300 tỷ nhân dân tệ (44,5 tỷ USD), tăng từ
200 tỷ nhân dân tệ.
Nguyên nhân của sự thay đổi xoay trục chính
sách này của Trung Quốc được cho là ảnh hưởng của việc giá năng lượng tăng cao.
Nguồn cung toàn cầu đã thắt chặt do những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng quân sự
giữa Nga vs Ukraine, và Giá dầu thô thế giới đã có lúc tăng hơn 50% so với một
năm trước đó.
Để phòng ngừa nguy cơ lạm phát, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty điện lực hạn chế hóa đơn tiền điện. Tuy nhiên, chi phí mua than đã tăng tổng cộng 130 tỷ nhân dân tệ, dẫn đến phần lớn các công ty điện lực lớn đều báo cáo lỗ trong quý đầu tiên, theo truyền thông Trung Quốc.
Công nhân làm việc tại mỏ than Qinglongsi
Giá than ở Trung Quốc tăng 20% -30% trong
quý đầu tiên. Bắc Kinh tin rằng việc nâng cao sản lượng than nội địa giá rẻ sẽ làm
hạn chế việc giá tăng và cải thiện tài chính của các công ty saunr xuất hàng
tiêu dùng thiết yếu, góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Việc gia tăng sản lượng khai thác than cũng
bao gồm vấn đề an ninh quốc gia. Chính phủ Trung Quốc hiện được cho là đang dẫn
đầu một sự chuyển hướng sang sử dụng khí đốt tự nhiên – nguồn năng lượng được
xem là có lượng khí thải carbon nhỏ hơn than đá. Tuy nhiên gần một nửa lượng
khí đốt tự nhiên mà Trung Quốc tiêu thụ đến từ các nguồn cungnước ngoài như Australia
và Mỹ, hai quốc gia có mâu thuẫn chính trị với Bắc Kinh.
Theo Giám đốc một doanh nghiệp tài nguyên cho
biết: “Do căng thẳng Mỹ - Trung kéo dài,
ngày càng có nhiều người đánh giá lại than từ góc độ an ninh năng lượng, vì
than có thể được cung cấp gần như hoàn toàn trong nước”.
"Sản lượng than
tăng cho thấy an ninh quốc gia và kiểm soát lạm phát đã được ưu tiên, và các nỗ
lực khử cacbon đã giảm tầm quan trọng", một quan chức cấp cao của chính quyền khu vực
cho biết.
Việc sử dụng than có nguy cơ gây ra những hậu
quả có hại. Hầu hết Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh mới đây diễn ra dưới bầu trời
xanh trong năm nay vì các sáng kiến chống ô nhiễm không khí.
Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc nên kết hợp
việc mở rộng than đá với các biện pháp bảo vệ môi trường, nếu không những nỗ lực
của Trung Quốc về mục tiêu giảm phát sẽ bị chậm lại.
Theo Nikkei