Những tấm xơ mướp
đơn điệu được Y Êli Bkrông biến tấu làm ra các sản phẩm mới lạ và độc đáo. Những
sản phẩm từ xơ mướp còn rất thân thiện với môi trường, điều này ghi điểm trong
mắt nhiều du khách trong và ngoài nước.
Anh Y Êli Bkrông
(SN 1991, TP Buôn Ma Thuột) tốt nghiệp cử nhân Mỹ thuật Công nghiệp tại Trường
Đại học Công nghệ Sài Gòn năm 2014. Hiện anh là nhân viên của một công ty ở TP
Buôn Ma Thuột chuyên sản xuất các sản phẩm từ xơ mướp để xuất khẩu.
Anh cho biết, sản phẩm thời trang từ xơ mướp hiện đại, thân thiện với môi trường nhưng chỉ có một màu thuần tự nhiên của xơ mướp. Anh đã vẽ phong cảnh thiên nhiên, hoa lá lên sản phẩm như túi xách và mũ làm từ xơ mướp.
Với sự khéo léo và
sáng tạo, chàng trai Ê đê đã tự tay cắt may từng miếng xơ mướp lại với nhau để
phục vụ vẽ tranh. Điều này tạo sự mới lạ cho sản phẩm. Khi tham gia trưng bày tại
các triển lãm, hội chợ, sản phẩm đã thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng trong
và ngoài nước.
Theo anh, vẽ tranh
trên nền xơ mướp là sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, bởi mặt nền có sự gồ ghề. Vẽ trên nền
này, độ sắc nét không được như vẽ trên toan, giấy, điều chỉnh cũng khó khăn.
Đến nay, anh Y Êli đã vẽ hàng trăm bức tranh trên nền xơ mướp thiên về các nét văn hóa truyền thống, hầu hết đều được bán sang nước Pháp với giá khoảng vài, ba triệu đồng/bức tranh.
Những bức tranh của
anh thường xuất phát từ khoảnh khắc đặc trưng anh lưu giữ được, hoặc từ các bức
ảnh về đất nước con người do anh sưu tầm, lồng ghép dấu ấn cá nhân vào tác phẩm.
Ngoài việc vẽ tranh, Y Êli còn gây ấn tượng với thiết kế trang phục độc đáo từ xơ mướp. Những tấm xơ mướp xù xì được kết hợp 20% vải lụa và 80% xơ mướp tạo nên sự mềm mại, giảm độ thô ráp khi mặc. Trang phục độc đáo từ xơ mướp với 3 lớp tà ngắn, tượng trưng cho những cánh sen.
Lớp tà dài bên dưới
được anh Y Êli trang trí bằng 5 bức tranh thể hiện những khoảnh khắc đời thường
như: Chị bế em, hai chị em đi hái sen, cậu bé thổi sáo trên lưng trâu, mẹ bán
hàng rong, bà trông cháu. Hình ảnh được anh sử dụng cọ để vẽ rồi xịt một lớp
sơn bảo vệ màu sắc.
Bên cạnh đó, hàng
trăm viên đá nhựa lấp lánh đính trên tà tạo điểm nhấn. Bộ trang phục này anh mất
gần một tháng để hoàn thiện, được lấy cảm hứng từ mẹ Âu Cơ.
Y Êli Bkrông muốn
giới thiệu những bản sắc, nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đến
với bạn bè trong và ngoài nước.