Sợi là ngành xuất khẩu quan trọng trong nhóm ngành dệt may của Việt Nam. Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, trong năm 2024, xuất khẩu xơ sợi ước đạt 4,48 tỷ USD, tăng 2,85% so với năm 2023. Nhìn vào con số thống kê xuất khẩu sợi từ năm 2019 tới nay có thể thấy, xuất khẩu dao động từ 3,7 - 5,6 tỷ USD - con số không nhỏ trong xuất khẩu của ngành.

Nhìn nhận về thách thức của doanh nghiệp ngành sợi, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, ngành sợi đang phải đối mặt với các thách thức bên ngoài là tính nhạy cảm với sự biến động của các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là giá nguyên liệu; thách thức bên trong là liên kết chuỗi và sự khác biệt trong quản trị, dẫn đến khác biệt về hiệu quả.

Mặc dù thị trường còn tương đối ảm đạm với các doanh nghiệp ngành sợi khi giá đơn hàng còn ở mức rất thấp, nhưng bằng nhiều giải pháp tiết kiệm, tối ưu chi phí trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp sợi của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã có lợi nhuận, vượt qua điểm hòa vốn.

Với Tổng công ty CP Phong Phú, chỉ tính riêng ngành sợi, doanh thu 9 tháng năm 2024 đạt 696 tỷ đồng, lợi nhuận 60,2 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch doanh thu năm. Công ty CP Sợi Phú Bài, 9 tháng năm 2024 đạt 955 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 9,2 tỷ đồng, bằng 91% kế hoạch doanh thu năm.

Cũng vượt qua điểm hòa vốn, Công ty CP Vinatex Phú Hưng có doanh thu tính đến hết tháng 10/2024 đạt 656,23 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt 4,3 tỷ đồng; Công ty CP Dệt May Huế có lợi nhuận ngành sợi 9 tháng đạt 16,77 tỷ đồng, bằng 99% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023. Nhiều doanh nghiệp sợi khác trong tập đoàn như Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh, Tổng công ty Việt Thắng, Nhà máy Sợi Vinatex Phú Cường đã giảm lỗ so với cùng kỳ 2023 và tiến gần hơn với điểm hòa vốn.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho hay, bước sang năm 2024, ngành dệt may dần khởi sắc, đơn hàng ngày dồi dào và đa dạng hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là với ngành may, doanh nghiệp ngành sợi vẫn rất khó khăn.

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, trước khi Mỹ áp dụng Đạo luật Phòng ngừa Lao động Cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ, xuất khẩu sợi của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc rất tốt. Tuy nhiên, từ khi đạo luật này được áp dụng, Trung Quốc chủ động sản xuất sợi từ bông Tân Cương để tiêu thụ tại thị trường nội địa, cũng như sản xuất sản phẩm tiêu thụ vào thị trường châu Phi, Trung Đông nên đã ảnh hưởng đến ngành sợi của Việt Nam.

“Ảnh hưởng này sẽ không chỉ trong năm 2025 mà còn kéo dài hơn nữa. Trường hợp Mỹ không thay đổi Đạo luật Phòng ngừa Lao động Cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ, sẽ ảnh hưởng đến ngành sợi toàn cầu chứ không riêng Việt Nam”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Giải pháp cho vấn đề này, ông Vũ Đức Giang cho rằng, không có cách nào khác, doanh nghiệp trong nước phải cơ cấu lại một số dòng sợi, thích ứng đòi hỏi của ngành công nghiệp dệt nhuộm, như các dòng sợi bền vững, sợi thân thiện với môi trường, sợi tái chế… Đồng thời, đa dạng hơn nguồn cung bông cho sản xuất sợi trong nước.

BCT