Tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội ngày 24/7 vừa qua, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM thông tin về đề xuất xây dựng một trung tâm tái chế pin xe điện với công suất 3.000 tấn/năm, nhằm đón đầu xu hướng và giải quyết các thách thức môi trường. Đây là một phần trong đề án chuyển đổi sang xe điện, với công nghệ hiện đại cho phép thu hồi đến 95% kim loại quý.
Ông Lê
Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, thuộc Viện Nghiên cứu
Phát triển TP.HCM, cho biết đề xuất này gắn liền với kế hoạch chuyển đổi
400.000 xe xăng sang xe điện của thành phố.
Theo ông,
pin xe điện chứa nhiều kim loại quý hiếm và có giá trị cao như: lithium, coban,
mangan. Với công nghệ tái chế tiên tiến hiện nay, tỷ lệ thu hồi các kim loại
này có thể lên đến 90–95%. Và việc tái chế không chỉ là giải pháp bảo vệ môi
trường, mà còn giúp tiết kiệm tài nguyên quốc gia, giảm chi phí sản xuất pin mới,
tạo nên một mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững.
Bên cạnh
tái chế, ông Hải còn cho biết, các viên pin khi không còn đủ công suất cho xe
điện vẫn có thể bắt đầu "vòng đời thứ hai" đầy hữu ích. Chúng có thể
được tái sử dụng làm bộ tích điện quy mô lớn cho các nhà máy điện mặt trời hoặc
cung cấp điện cho những khu vực nông thôn, một giải pháp được đánh giá có tính
khả thi cao.
Để hiện thực
hóa đề xuất, TP.HCM sẽ xây dựng các cơ chế hỗ trợ nếu có nhà đầu tư đáp ứng
tiêu chuẩn, ví dụ như cho vay ưu đãi hoặc sử dụng Quỹ bảo vệ môi trường để tài
trợ.
Hành lang
pháp lý cũng đã sẵn sàng. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ ngày 1/1/2024,
các nhà sản xuất pin phải có trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm sau sử dụng.
Doanh nghiệp có thể tự xây dựng nhà máy tái chế hoặc đóng phí môi trường để Nhà
nước hỗ trợ các cơ sở tái chế đạt chuẩn.
Ông Hải kỳ
vọng trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ hình thành được một hệ sinh thái công nghiệp
xanh với các trung tâm tái chế đạt chuẩn quốc tế.
Để đảm bảo
quá trình này diễn ra an toàn và minh bạch, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM
kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để
xây dựng một kế hoạch tái chế pin chi tiết, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm
ngặt từ khâu thu gom đến xử lý.
Trước những
lo ngại về an toàn, ông Lê Thanh Hải, cho rằng công nghệ pin đang ngày càng
hoàn thiện, các tiêu chuẩn an toàn phòng, chống cháy nổ được áp dụng nghiêm ngặt
trong sản xuất và sử dụng pin xe điện. Tuy nhiên, để có đánh giá khách quan về
mức độ an toàn, cần có số liệu so sánh cụ thể giữa tỷ lệ cháy nổ của xe điện và
xe xăng.
Theo VOV