Tổ chức tư
vấn môi trường Ember mới đây cho biết, năm 2023, sản lượng điện từ than trên
toàn thế giới đạt mức cao kỷ lục mới, trong khi xuất khẩu than lần đầu tiên vượt
1 tỷ tấn do việc sử dụng than dùng cho Nhiệt điện (than nhiệt) trong các hệ thống
điện tiếp tục tăng bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ nhằm cắt giảm nhiên liệu hóa
thạch.
Theo tổ chức
tư vấn môi trường Ember, tính đến tháng 10/2023, sản lượng điện đốt than là
8.295 terawatt giờ (TWh), tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất được
ghi nhận. Dữ liệu theo dõi tàu biển từ Kpler cho thấy, năm 2023, tổng xuất khẩu
than nhiệt là 1,004 tỷ tấn, tăng 62,5 triệu tấn, tương đương 6,6% so với năm
2022. Ember cho biết, tính đến tháng 10/2023, lượng khí thải từ sản xuất điện đốt
than cũng đạt mức cao mới, vượt quá 7,85 tỷ tấn CO2 tương đương, nhiều hơn khoảng
66,7 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc khai
thác và xuất khẩu than cũng như việc sử dụng than trong sản xuất điện tập trung
chủ yếu ở châu Á, trong khi nhiều nơi khác trên thế giới bao gồm châu Âu và Bắc
Mỹ đã áp dụng các biện pháp giảm dần. Tuy vậy, ngay cả khi khu vực địa lý sử dụng
và buôn bán than đang bị thu hẹp, khối lượng khai thác, xuất khẩu và tiêu thụ
hoàn toàn trong các nhà máy điện vẫn có xu hướng gia tăng.
Năm 2023, Indonesia là nước xuất khẩu than nhiệt hàng đầu, với mức kỷ lục 505,4 triệu tấn, tăng 54 triệu tấn hay 12% so với mức của năm 2022. Theo dữ liệu của Kpler, đây là lần đầu tiên, Indonesia chiếm hơn 50% tổng lượng vận chuyển than nhiệt trong một năm. Australia là nước xuất khẩu than nhiệt lớn thứ hai, với 198 triệu tấn, tăng 12,5 triệu tấn (7%) so với năm 2022. Tiếp theo đó là Nga, Nam Phi và Colombia, xuất khẩu lần lượt 103 triệu tấn, 60 triệu tấn và 51 triệu tấn cũng trong năm 2023.
Về mặt nhập
khẩu, Trung Quốc là nước mua than nhiệt nhiều nhất, với mức kỷ lục 325 triệu tấn,
cao hơn 109 triệu tấn so với tổng lượng của năm 2022. Xếp thứ 2 là Ấn Độ, với mức
nhập khẩu 172 triệu tấn, tiếp theo là Nhật Bản - 109 triệu tấn, Hàn Quốc - 80
triệu tấn và Đài Loan (Trung Quốc) - 51 triệu tấn.
Ngoài ra,
các nhà nhập khẩu đáng chú ý khác còn có Philippines - 37 triệu tấn và Việt Nam
- 31 triệu tấn, cả hai đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai con số
trong nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2022.