Theo ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, một số nông dân đang chờ giá trong nước lên cao hơn trước khi bán ra. Trong thời gian đó, họ dựa vào thu nhập từ việc bán trái cây như sầu riêng để trang trải chi phí. Giá cà phê robusta trong nước hiện đã tăng lên mức kỷ lục.

Ông Phan Hùng Anh - Giám đốc điều hành của CTCP Thương mại Cà phê Quang Minh, cho biết: “Tôi chưa từng thấy tình trạng tích trữ như vậy vào thời điểm này mỗi năm. Đây là vụ khó khăn nhất kể từ khi ông bắt đầu kinh doanh vào năm 1994. Giá các loại trái cây đang tăng nên nông dân bán chúng trước để trang trải chi phí sinh hoạt và chi phí sản xuất”.

Niên vụ thu hoạch cà phê 2023-2024 của Việt Nam gần như đã hoàn tất và sản lượng được dự báo đạt 1.66 triệu tấn, theo ước tính trung bình của các nhà xuất khẩu và thương mại cà phê được Bloomberg khảo sát. Con số này thấp hơn khoảng 7% so với niên vụ trước.

Giá cà phê robusta tương lai tại London cũng đang ở mức cao kỷ lục do thiếu nguồn cung, và đã tăng hơn 30% kể từ đầu tháng 10/2023. Theo bà Trần Thị Lan Anh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, một số bên giảm mua cà phê từ Việt Nam do tình hình xung đột ở Biển Đỏ làm tăng chi phí vận chuyển.

Ông Phạm Quang Vinh, đại lý chuyên thu mua cà phê ở tỉnh Gia Lai để cung cấp cho các thương nhân và nhà xuất khẩu bao gồm Olam Group Ltd, cho biết sau khi giá cà phê robusta trong nước tăng vọt, một số người trồng cà phê Việt Nam đã huỷ bỏ hợp đồng bán mà họ đã ký vào đầu vụ.

Ông cho biết một số nông dân lo lắng rằng họ sẽ bỏ lỡ cơ hội nếu giá tăng lên tới 100,000 đồng/kg. Mức giá đó cao hơn 40% so với giá trong nước hiện tại.

IVT