Các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục đưa ra và thực hiện hiệu quả các giải pháp để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Khẩn trương phân bổ chi tiết vốn và giải ngân

Ý thức được việc giải ngân nhanh vốn đầu tư công (ĐTC) sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nên ngay khi nhận được nguồn vốn được giao, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương phân bổ chi tiết vốn cho các dự án, nhiệm vụ.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, cho đến thời điểm này, tổng số vốn ĐTC đã được phân bổ là 685.038,5 tỷ đồng, đạt trên 103% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (663.807 tỷ đồng). Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) các địa phương giao tăng (42.400 tỷ đồng), thì tổng số vốn đã phân bổ là 642.610,2 tỷ đồng, đạt 96,81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Đặc biệt, theo nhận xét từ Bộ Tài chính, trong quá trình phân bổ vốn, các bộ ngành, địa phương đã ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển… Theo đó, số vốn đã được bố trí cho các dự án này là 97.555 tỷ đồng (số vốn tối thiểu phải bố trí theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 99.358 tỷ đồng). Số vốn còn lại chưa phân bổ do một số địa phương mới được Thủ tướng Chính phủ giao, theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 30/3/2024, đang hoàn thiện thủ tục trình giao kế hoạch.

Song song với việc khẩn trương phân bổ chi tiết vốn, các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC cũng được các bộ, ngành, địa phương tích cực áp dụng ngay trong những tháng đầu năm. Các vướng mắc trong quá trình giải ngân cũng được các bộ, ngành, địa phương dần khắc phục. Theo đó, tiến độ giải ngân 4 tháng qua đã có tín hiệu tốt.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, dự kiến hết tháng 4/29024, cả nước giải ngân vốn ĐTC được trên 115.906,9 tỷ đồng, đạt trên 16% tổng kế hoạch và đạt trên 17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (đạt trên 14% tổng kế hoạch và trên 15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

9 dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông vận tải tính đến hết tháng 3/2024 cũng đang có tiến độ giải ngân tốt, khi đạt trên 12,3% kế hoạch năm 2024 được giao, tương đương với tỷ lệ giải ngân bình quân chung 3 tháng của cả nước (12,16%).

Đáng chú ý, ngày 28/4 vừa qua, 2 đoạn tuyến cuối cùng thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn I là cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo vừa được thông xe, không chỉ giúp rút ngắn quãng đường, thời gian đi lại từ Bắc vào Nam mà còn mở ra nhiều kỳ vọng phát triển cho các địa phương nơi cao tốc đi qua.

Tiếp tục các giải pháp với quyết tâm cao

Không dừng lại ở kết quả đã đạt được, đặc biệt hướng tới mục tiêu giải ngân được 95% kế hoạch vốn như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục đưa ra các giải pháp để thực hiện trong những tháng tiếp theo.

Đơn cử như Đà Nẵng, để giải ngân hơn 8.800 tỷ đồng được giao, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện cần tập trung cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu từng chủ đầu tư lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý từ nay đến cuối năm.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn ĐTC phải gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí. Do đó, UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện từ nay đến cuối năm phải phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành…

Để đảm bảo tiến độ giải ngân, UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tăng cường kỷ luật, kỷ cương, có chế tài xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thanh toán vốn. Đặc biệt, TP. Đà Nẵng sẽ thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý ĐTC…

Là đơn vị thực hiện nhiều dự án giao thông quan trọng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đang phải đối mặt với những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; nguồn vật liệu xây dựng thông thường; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và di dời hạ tầng kỹ thuật.

Theo Bộ GTVT, mặc dù đây là những vấn đề thuộc thẩm quyền của các địa phương nhưng bộ này vẫn yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Đặc biệt, trong năm 2024, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 59.000 tỷ đồng. Theo bộ này, nếu trong năm nay chỉ giải ngân số vốn này thì áp lực giải ngân năm sau khá lớn, bởi theo kế hoạch được phân bổ, 2 năm cuối của giai đoạn trung hạn 2021 – 2025, tổng số vốn ĐTC còn lại mà bộ này cần giải ngân vào khoảng 150.000 tỷ đồng.

Do đó, để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, góp phần đưa tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC của bộ tiếp tục duy trì cao hơn mức bình quân chung của cả nước, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đăng ký bổ sung thêm vốn để các ban quản lý dự án, nhà thầu tập trung thi công, đẩy nhanh khối lượng. Theo Bộ GTVT, việc bổ sung vốn này sẽ giảm áp lực giải ngân cho năm 2025, đồng thời giúp các nhà thầu không lo thiếu tiền để thi công “3 ca, 4 kíp”.

Theo TBTCVN