Khó khăn trong phát triển thị trường

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực như: Dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ…

Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự khởi sắc và có đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khẳng định vai trò dẫn dắt với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Cùng với đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023, trị giá xuất khẩu của một số mặt hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II đạt cao hơn so với quý I/2024. Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu ước đạt 160,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023 và tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (84,3%) trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, thông qua “Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ”, Cục Công nghiệp đã triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Các hoạt động hỗ trợ điển hình như: Hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; kết nối với các Tập đoàn lắp ráp đa quốc gia và các nhà cung ứng lớp trên thế giới nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI…


Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh cũng chỉ ra những khó khăn hiện nay. Theo đó, quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng…

Sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (88%), thiếu thông tin thị trường và cơ hội tiếp cận khách hàng.

Khơi thông xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo Bộ Công Thương, trong các tháng cuối năm 2024, bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi nhưng phát triển sản xuất và thương mại đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm. Cùng với đó, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam.

Về phía Cục Công nghiệp, ông Phạm Tuấn Anh nêu giải pháp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu. Quan trọng là các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của nhau. “Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tìm kiếm các đơn hàng và khách hàng mới”- ông Phạm Tuấn Anh nói.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... Doanh nghiệp công nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao (đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới).

Trong bối cảnh đó, để lấy lại đà tăng trưởng, cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương đối với doanh nghiệp công nghiệp. Theo đó, cần tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho.

Đơn cử, tại Australia, theo ông Nguyễn Phú Hoà - Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia, các mặt hàng thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo luôn là các mặt hàng xuất chủ lực của Việt Nam sang Australia, trong đó riêng tổng 4 loại mặt hàng chế biến chế tạo kim ngạch lớn nhất (máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng) chiếm tới 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia trong 6 tháng đầu năm.

Ông Nguyễn Phú Hoà cũng thông tin, nhu cầu thị trường Australia đối với sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo rất lớn. Thống kê năm 2023 Australia nhập khẩu trên 130 tỷ USD các sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc trang thiết bị, phương tiện vận tải; đây là tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hoà lưu ý, doanh nghiệp cũng cần tích cực đầu tư nguồn lực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt bố trí tham gia các sự kiện hội chợ uy tín của Australia liên quan tới các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo như: Hội chợ đồ nội thất, hội chợ đồ điện tử, công nghệ…

Tại thị trường Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho hay, Ấn Độ sẽ tổ chức một số hội chợ quan trọng tại Ấn Độ trong tháng 8/2024 gồm: Hội chợ Biofach India 2024 (3 – 5/8/2024) tại Trung tâm triển lãm India Expo Mart, Ấn Độ; Hội chợ India International Hospitality Expo (IHE) (3-6/8/2024) tại India Expo Centre, Ấn Độ; Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ nhân chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao... để các doanh nghiệp nắm bắt, có thể tham gia mở rộng cơ hội khơi thông thị trường.

Cục Công nghiệp sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép… Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Theo Duy Anh - BCT