Đó là bởi các nhà khoa học Trung Quốc đã chế tạo thành công loại kính áp tròng đầu tiên có khả năng mang lại thị giác hồng ngoại - một thiết bị độc đáo vẫn hoạt động hiệu quả ngay cả khi người dùng nhắm mắt.

Cụ thể, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC) đã tích hợp các hạt nano vào kính áp tròng. Những hạt này chuyển đổi ánh sáng cận hồng ngoại (bước sóng 800 - 1.600 nanomet) thành ánh sáng đỏ, xanh lá hoặc xanh dương có thể nhìn thấy được nhìn thấy được (400 - 700 nanomet).

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra các tròng kính áp tròng mềm được nhúng các hạt nano chuyển đổi ngược nói trên. Khi đeo, người dùng có thể nhìn thấy các tín hiệu giống như mã Morse nhấp nháy từ đèn LED hồng ngoại và biết hướng phát ra ánh sáng đó.

Đặc biệt, tầm nhìn hồng ngoại của người đeo kính trở nên tốt hơn khi nhắm mắt. Nguyên nhân là bởi mí mắt có thể cản ánh sáng nhìn thấy gây nhiễu nhưng lại cho tia hồng ngoại xuyên qua.

Để tạo ra kính, các nhà khoa học đã cải tiến từ nghiên cứu trước đó trên chuột. Lần này, họ sử dụng phương pháp ít xâm lấn hơn, đó là thêm hạt nano kim loại đất hiếm vào hỗn hợp polyme để tạo kính áp tròng mềm và đã thử nghiệm an toàn. Thách thức chính là đưa đủ hạt nano vào kính mà không làm thay đổi đặc tính quang học của nó. Chi phí ước tính để sản xuất một cặp kính này khoảng 200 USD.

Công nghệ này đã được công bố trên tạp chí Cell. Theo ông Xiaomin Li - nhà hóa học tại Đại học Phúc Đán, công nghệ này như bước ra từ phim khoa học viễn tưởng và mở ra những khả năng mới để hiểu về thế giới.

Thực tế, ánh sáng cận hồng ngoại vốn nằm ngoài khả năng phát hiện của mắt người. Những chiếc kính nhìn đêm truyền thống tuy có thể giúp con người thấy tia hồng ngoại nhưng lại khá cồng kềnh và cần năng lượng để sử dụng. Trong khi đó, theo các nhà khoa học, kính áp tròng mới có thể khắc phục những hạn chế này, cung cấp hình ảnh hồng ngoại đa sắc, phong phú hơn so với hình ảnh đơn sắc của kính nhìn đêm. Loại kính áp tròng này không cần nguồn điện và vì trong suốt nên người đeo có thể nhìn thấy ánh sáng hồng ngoại và tất cả màu sắc thông thường của ánh sáng cùng lúc.

Tuy nhiên, kính áp tròng này cũng có nhược điểm. Các hạt nano gây tán xạ ánh sáng, khiến hình ảnh bị mờ. Nhóm đã cải thiện phần nào bằng cách kết hợp với kính đeo mắt bổ sung. Ngoài ra, kính chỉ cho phép thấy tín hiệu hồng ngoại mạnh, không như kính nhìn đêm có khả năng khuếch đại ánh sáng yếu.

Một số nhà khoa học đã tỏ ra hoài nghi về công bố này. Glen Jeffery, nhà thần kinh học chuyên nghiên cứu về sức khỏe mắt tại Đại học College London, cho rằng: "Tôi không nghĩ ra ứng dụng nào mà kính nhìn đêm truyền thống không thực hiện đơn giản hơn. Sự tiến hóa đã né tránh điều này là có lý do".

Dù vậy, các tác giả của nghiên cứu tin rằng, kính áp tròng mới có thể được tối ưu hóa hơn. Đồng tác giả Yuqian Ma (USTC) cho biết, kính có thể ứng dụng trong đọc dấu chống hàng giả hồng ngoại. Ông Xiaomin Li đề xuất, các bác sĩ có thể dùng kính áp tròng này trong phẫu thuật huỳnh quang cận hồng ngoại để phát hiện tổn thương ung thư mà không cần đến các thiết bị cồng kềnh.

Nhóm nghiên cứu hiện đang tìm cách tích hợp nhiều hạt nano hơn và phát triển hạt chuyển đổi ánh sáng hiệu quả hơn để cải thiện độ nhạy.

Theo TB VTV