Xuất nhập khẩu tăng cao
Báo cáo mới nhất vừa công bố của Tổng cục
Thống kê cho thấy, trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt
69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa
tháng 7/2024 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 19,1%
so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu
hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ
USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước
ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa
tháng 7/2024 ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 11% so với tháng trước và tăng 24,7% so
với cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng
hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực
kinh tế trong nước đạt 78 tỷ USD, tăng 21,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài
đạt 134,9 tỷ USD, tăng 16,9%.
Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu bảy tháng tập
trung mạnh vào nhóm hàng tư liệu sản xuất, ước đạt 199,88 tỷ USD, chiếm
93,9%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa bảy
tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch
ước đạt 66,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với
kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc trong 7
tháng đầu năm 2024
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước
tính xuất siêu 2,12 tỷ USD. Tính chung bảy tháng năm 2024, cán cân thương mại
hàng hóa ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ
USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn
đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất
khẩu chủ lực của nước ta. Theo Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), kim ngạch
xuất khẩu hàng dệt may từ đầu năm đến nay tăng, cụ thể là trong quý II/2024 đã
tăng trưởng 11,2% so với quý trước đó. Đơn hàng tăng trở lại giúp một số doanh
nghiệp dệt may có kết quả kinh doanh đáng nghi nhận.
Hoặc với mặt hàng thuỷ sản, theo Thương vụ
Việt Nam tại Singapore, kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam vào thị trường
Singapore trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 51,7 triệu SGD, chiếm thị phần
9,46%. Các số liệu thống kê cho thấy, lần đầu tiên thủy sản Việt Nam duy trì vị
trí số đối tác lớn thứ 5 liên tiếp trong 2 quý.
Theo ông Cao Xuân Thắng - Tham tán thương
mại Việt Nam tại Singapore, để có thể tăng thị phần bền vững, nâng cao thứ hạng
cũng như giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Singapore, các doanh nghiệp
Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng thủy sản, mặc dù
hiện nay chưa có vụ việc đáng tiếc nào liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm
được thông báo cho Thương vụ.
Mặt khác, tình trạng lạm phát đang cao
cũng là một thách thức không nhỏ cho ngành thủy sản các nước xuất khẩu vào
Singapore, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, xung đột ở một số khu vực trên thế
giới cũng làm cho giá cước vận chuyển tăng mạnh, quốc gia nào tận dụng được lợi
thế về logistics cũng như giảm thiểu được các chi phí sẽ tạo được lợi thế cạnh
tranh lớn hơn trong xuất khẩu hàng hóa.
Cơ hội nào cho những tháng cuối năm?
Trao đổi với phóng viên, TS Lê Quốc Phương
- Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công
Thương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị và hiện đã tận dụng
tương đối tốt các FTA. Vì vậy, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng trưởng
6% là hoàn toàn khả thi.
Rất nhiều mặt hàng của Việt Nam đứng Top đầu
xuất khẩu như gạo, hạt tiêu, dệt may… tức là đã có thể xếp Việt Nam vào một
trong những cường quốc về xuất khẩu. Vì thế, cần có sự ứng xử xứng với vị trí
cường quốc. Đó là không thể chậm trễ trong việc đưa sản phẩm, hàng hoá đáp ứng
tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị
trường, đưa hàng hóa vào thị trường “ngách” nhưng nhiều tiềm năng như: Trung
Đông, châu Phi, Nam Mỹ… ngoài thị trường truyền thống. Qua đó, giảm bớt rủi ro
khi hàng hóa bị phụ thuộc vào một thị trường.
Nhìn nhận về tình hình xuất khẩu, ông Trần
Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho hay, tình
hình xuất nhập khẩu của Việt Nam đã và đang có nhiều khởi sắc, mang lại tín hiệu
tích cực. Các địa phương đã có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh
nghiệp trong việc mở rộng thị trường. Cùng đó, doanh nghiệp cũng chủ động các vấn
đề thương mại, ví như tính quyết định, tăng cường xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Bộ Công Thương đang đẩy nhanh tiến độ và nỗ
lực để kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt
Nam và UAE. Bên cạnh đó, triển khai đa đạng các hình thức cả trực tiếp và trực
tuyến để giới thiệu lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi.
Hơn nữa, các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp
tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những
diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch
sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Mặt khác, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới
xúc tiến thương mại; thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong
xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp của
Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua
đó, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.
Theo BCT