Các quốc gia thuộc Hội
đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) vốn được biết đến là "rốn dầu" của thế
giới, với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ mang lại nguồn thu chính trong
nhiều thập kỷ vừa qua. Song đó chưa phải là tất cả, các nước vùng Vịnh còn nổi
tiếng về thế mạnh đầu tư ra nước ngoài thông qua các quỹ đầu tư.
Các nước vùng Vịnh đã
triển khai các hoạt động đầu tư ra nước ngoài từ khá sớm và đang đẩy mạnh những
năm gần đây. Giá trị tài sản mà các quỹ đầu tư quốc gia thuộc vùng Vịnh nắm giữ
lên tới gần 2 nghìn 500 tỷ USD, chiếm 25% tổng tài sản các quỹ đầu tư quốc gia
toàn cầu. Bên cạnh đó là hàng trăm các quỹ đầu tư tư nhân lớn nhỏ cũng đang hoạt
động rất sôi nổi khắp thế giới.
Có thể thấy các quỹ đầu
tư vùng Vịnh là rất lớn. Nếu như trước đây, Việt Nam chưa phải là cái tên quen
thuộc trên bản đồ đầu tư nơi đây thì giờ thực tế ấy đang dần thay đổi.
Vùng Vịnh - giá dầu
cao đang khiến các hoạt động đầu tư trở nên tấp nập. Tiền nhàn rỗi tăng đột biến
cả ở cấp độ tổ chức lẫn cá nhân, tạo ra một nhu cầu lùng tìm những điểm đến đầu
tư để sinh lời.
Abrahamic là mạng lưới
tập hợp các nhà đầu tư tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và cả Israel. Thời
gian qua tổ chức đã đưa Việt Nam vào một trong những mục tiêu ưu tiên. Cho rằng
vẫn còn những điều có thể chờ đợi hơn nữa, nhưng Việt Nam đã và đang tạo ra một
lực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Ông Raphael Nagel - Chủ
tịch Tổ chức Đầu tư Abrahamic Circle cho hay: "Đại dịch rồi lại lạm phát,
những biến động của kinh tế thế giới, không quốc gia nào tránh khỏi bị tác động.
Nhưng hãy nhìn Việt Nam đã chống chịu như thế nào để giúp nền kinh tế của mình
không bị tụt dốc quá mức trong đại dịch, rồi lại tăng trưởng ra sao trong giai
đoạn phục hồi. Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt. Cơ chế một cửa thu hút đầu
tư của Việt Nam chẳng hạn đã xóa bỏ đi rất nhiều những vướng mắc thủ tục cho
các nhà đầu tư".
Amima cũng là một quỹ
đầu tư đang dành nhiều sự quan tâm tới Việt Nam. Chuyên đầu tư trong lĩnh vực
nông nghiệp. Thời gian qua là giai đoạn hoạt động không ngừng nghỉ của Amima,
khi các nền kinh tế Vùng Vịnh hậu đại dịch đang ngày càng ý thức hơn về an ninh
lương thực. Dự kiến tháng 11 này tổ chức sẽ gửi đại diện tới Việt Nam, trực tiếp
tìm hiểu về những cơ hội đầu tư.
"Khi đầu tư vào một
quốc gia, chúng tôi quan tâm tới sự cam kết, tính nhất quán và những thành tích
của quốc gia ấy thời gian qua. Những gì chúng tôi đang thấy được từ Việt Nam đều
là những tín hiệu tích cực. Nó thôi thúc chúng tôi sang Việt Nam để đi tìm cơ hội
cho mình", ông Abdalatti Abuassi - Quỹ đầu tư Nông nghiệp Amima, UAE cho
biết.
Còn từ góc nhìn của giới
chuyên gia kinh tế, các luồng vốn mới tìm tới Việt Nam, đang đến như một xu thế.
"Như tỷ phú Ấn Độ
Adani - giàu thứ 2 thế giới - mới đây đã cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam.
Nó cho thấy sự nhìn nhận tích cực như thế nào vào triển vọng kinh tế Việt Nam.
Rồi các báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra kinh tế Việt Nam đang vượt
lên với những lý giải cụ thể. Tất cả đều rất công khai, rõ ràng, đã tạo nên sức
hấp dẫn cho các nhà đầu tư", Tiến sỹ Tilottama Mukherjee - chuyên gia kinh
tế cho hay.
Còn quá sớm để nói rằng
nền kinh tế Việt Nam để hưởng lợi đến đâu từ các dòng vốn từ Vùng Vịnh. Tuy
nhiên cũng có thấy rằng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó
khăn, thì hình ảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đang không ngừng được cải thiện.
Lĩnh vực các quỹ đầu
tư vùng Vịnh quan tâm tại Việt Nam
Nhiều nền kinh tế đã
hưởng lợi từ làn sóng đầu từ ra nước ngoài trong các lĩnh vực phi dầu mỏ của
các quỹ đầu tư vùng Vịnh. Thậm chí, nhiều nước vùng Vịnh đã đưa ra chiến lược
kinh tế dài hạn như Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia, Tầm nhìn kinh tế Abu Dhabi
của UAE, Tầm nhìn Oman 2040 hay như Tầm nhìn Kinh tế Ba-ranh 2030…
Những chính sách này đều
đặt mục tiêu cải tổ nền kinh tế theo hướng đa dạng hoá nguồn thu, đẩy mạnh đầu
tư ra nước ngoài. Đây là bước đi cần thiết nhằm chuẩn bị cho một "kỷ
nguyên hậu dầu mỏ". Rõ ràng với nền kinh tế có độ mở và tốc độ phát triển
cao, thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân, Việt Nam sẽ là "điểm đến
mới" của các quỹ này.
Nông nghiệp chính là một trong những lĩnh vực được giới đầu tư tại vùng Vịnh đang dành nhiều sự quan tâm tại Việt Nam. Điều này bắt nguồn từ việc mảnh đất sa mạc này ngày càng ý thức rõ ràng hơn tới bài toán an ninh lương thực mà họ phải đối mặt, đặc biệt sau giai đoạn đại dịch, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Ngoài ra, năng lượng
tái tạo cũng xem là nhiều hứa hẹn. Như Masdar thuộc quỹ đầu tư Mubadala của Các
Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, trong những tuyên bố của mình về các điểm đầu
tư tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, hầu như đều nhắc đến Việt Nam.
Như vậy có thể thấy các quỹ đầu tư từ Vùng Vịnh đang mang những tư duy khá mới
mẻ khi quan tâm tới Việt Nam.
Những mảng đầu tư truyền
thống của vùng Vịnh trước đến nay vẫn thường là bất động sản và tài chính.
Nhưng với Việt Nam họ muốn đầu tư vào nông nghiệp, năng lượng tái tạo và một phần
nào đó nữa là công nghệ như là an ninh mạng hay trí tuệ nhân tạo.
Vùng Vịnh đang nhìn thấy
tiềm năng của lực lượng dân số trẻ của Việt Nam, cùng một thị trường rộng lớn.
Bởi vậy, ngoài nông nghiệp vốn là thế mạnh rõ ràng của Việt Nam rồi, họ cho rằng
Việt Nam còn là mảnh đất thích hợp để phát triển những lĩnh vực có hàm lượng
công nghệ cao.
Các quỹ đầu tư vùng Vịnh
muốn tìm hiểu thị trường Việt Nam
Các nhà đầu tư nơi
vùng Vịnh khi nói về những cảm nhận tích cực của mình về môi trường đầu tư Việt
Nam thì thường nhắc đến những câu chuyện mà họ được các nhà đầu tư, vốn là bạn
bè của họ từ Hàn Quốc, châu Âu hay Mỹ kể lại. Điều này một phần nó cho thấy tiếng
tăm của nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng lan xa.
Nhưng mặt khác nó cũng
phản ánh rằng về mặt thông tin, giới đầu tư tại vùng Vịnh vẫn còn khá thiếu về
Việt Nam. Dễ thấy là đầu tư, hay đổ tiền vào đâu thì không thể chỉ nghe kể mà
quyết định được. Nó phải bắt nguồn từ một niềm tin và sự thấu hiểu sâu sắc tới
nơi mà mình sẽ đổ tiền vào. Đây có thể xem là một lực cản đối với các dòng vốn
đầu tư từ vùng Vịnh vào Việt Nam.
Để giải quyết điều
này, theo những gì mà giới đầu tư tại đây chia sẻ, cũng không thể qua một vài sự
kiện xúc tiến đầu tư mà giải quyết được. Họ mong muốn người dân vùng Vịnh rồi
đây sẽ tới Việt Nam thường xuyên hơn, thuận lợi hơn. Điều này thì có thể thông
qua việc xúc tiến du lịch, hay chính sách thị thực của Việt Nam cũng cần được cởi
mở hơn nữa.
Hiện vốn FDI rót vào
Việt Nam chủ yếu đề từ các thị trường Âu - Mỹ và châu Á. Do vậy khu vực vùng Vịnh
vẫn sẽ là một nguồn đầu tư có nhiều tiềm năng khai phá.
Theo
PV Anh Phương - VTV