EU triển
khai thuế carbon với 6 nhóm sản phẩm
Cơ chế áp thuế
phát thải này cho phép Liên minh châu Âu đơn phương áp thuế đối với hàng nhập
khẩu từ các nước không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường do Liên minh châu Âu đặt
ra. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, kéo dài 3 năm, chưa có thay đổi gì lớn.
Doanh nghiệp nhập khẩu chỉ phải khai báo lượng khí thải liên quan đến 6 nhóm sản
phẩm. Đây là những nhóm quá trình sản xuất tạo ra nhiều khí thải.
Xi măng, sắt
thép, nhôm, phân bón, điện năng và hydro nhập khẩu vào Liên minh châu Âu sẽ phải
mua thêm hạn ngạch phát thải, nếu quá trình sản xuất tạo ra lượng khí thải nhiều
hơn tiêu chuẩn môi trường do Liên minh châu Âu đặt ra. Một biện pháp chủ yếu nhằm
bảo vệ doanh nghiệp châu Âu vẫn đang phải tuân thủ những quy định chặt chẽ về
phát thải, cũng có nghĩa là phải tốn kém nhiều hơn và do vậy sản phẩm có giá
bán cao hơn.
“Cơ chế điều chỉnh
carbon thúc đẩy các nước khác cập nhật mục tiêu khí hậu. Đây có lẽ là cách duy
nhất khuyến khích các doanh nghiệp bên ngoài châu Âu giảm thải. Họ có thể xuất
khẩu vào châu Âu, nhưng phải đáp ứng những điều kiện tương tự như những điều kiện
các doanh nghiệp châu Âu đã phải tuân thủ trong suốt 15 năm qua. Ai gây ô nhiễm,
người đó phải trả tiền. Nếu muốn bán sản phẩm vào châu Âu, thì phải trả phần
chênh lệch ô nhiễm khi qua biên giới”, ông Mohammed Chahim, Nghị sĩ Hà lan, báo
cáo viên Nghị viện châu Âu, cho biết.
Doanh nghiệp xuất
khẩu hàng hóa vào Liên minh châu Âu nếu muốn tránh khoản chi này, thì chỉ có
cách giảm mức phát thải trong quá trình sản xuất tại nước mình xuống ngang bằng
tiêu chuẩn môi trường của Liên minh châu Âu, hoặc mua chứng chỉ phát thải. Cả 2
cách đều làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong 3
năm đầu tiên, kể từ ngày 1/10 sắp tới, phía châu Âu mới chỉ yêu cầu doanh nghiệp
phải lập tờ khai bóc tách lượng khí thải liên quan đến sản phẩm. Một cách để
doanh nghiệp làm quen dần với quy định mới.
“3 năm đầu chỉ
là giai đoạn bóc tách, nhưng đằng sau cái này, đó chính là các biện pháp anh phải
áp dụng làm sao để giảm thiểu lượng carbon tạo ra. Bởi nếu anh không giảm thiểu,
thì đối với mỗi lượng hàng hóa anh nhập vào, anh sẽ phải nộp thuế, trung bình
là 75 Euro cho 1 tấn khí thải tạo ra. Điều đó có nghĩa là nếu như anh không cắt
giảm, không áp dụng các biện pháp xanh, sạch để cắt giảm lượng carbon, thì anh
sẽ bị nộp thuế và nộp thuế này sẽ đẩy chi phí của hàng hóa của anh cao hơn, thậm
chí là có thể cao hơn cả hàng hóa sản xuất ở Liên minh châu Âu”, ông Trần Ngọc
Quân, Tham tán Thương mại Việt nam tại Liên minh châu Âu và Vương quốc Bỉ, cho
hay.
Từ năm 2026, các
nhóm sản phẩm này sẽ phải chịu thuế carbon, trong đó sắt thép và nhôm là những
nguyên liệu Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu. Phía châu Âu dự kiến
trong tương lai sẽ áp thuế carbon lên cả các mặt hàng khác có sử dụng những sản
phẩm này làm nguyên liệu.
Doanh nghiệp
xuất khẩu chưa nắm rõ về tác động của thuế carbon
Theo Cơ quan
Năng lượng Quốc tế, trung bình để làm ra 1 tấn thép sẽ thải ra 1,85 tấn khí
CO2, tức là làm ra cả 1 tấn thép thì mới phải trả thuế phát thải hơn 3.300.000
đồng. Tuy nhiên nếu nhân với sản lượng hàng triệu tấn 1 năm của một số doanh
nghiệp thép hiện nay tại Việt Nam, thì con số đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Thực
tế, nhận thức và thông tin của doanh nghiệp Việt Nam về chủ đề này vẫn còn rất
khiêm tốn.
Như vậy, cảnh
báo của Tham tán Thương mại tại liên minh châu Âu là không thừa, đó là việc nộp
thuế này sẽ đẩy chi phí của hàng hóa của Việt Nam còn cao hơn cả hàng hóa sản
xuất ngay tại Liên minh châu Âu.
Doanh nghiệp
nhôm mới dành ra 3 năm ròng rã để hoàn thiện bộ quy chuẩn xuất khẩu vào châu
Âu, vì có tới gần 1/3 sản lượng của doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường này.
Tuy nhiên tới nay, doanh nghiệp vẫn lúng túng với thuế carbon, ngay cả khi nhôm
là 1 trong 6 mặt hàng sẽ bị áp thuế phát thải.
“Phát thải
carbon với doanh nghiệp được tính như thế nào và có những quy định hướng dẫn
như nào để doanh nghiệp chủ động tính sơ bộ cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp
mình biết nằm trong ngưỡng nào, nấc nào”, ông Vũ Văn Phụ, Tổng thư ký Hiệp hội
nhôm Việt Nam, nói.
Một khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân vào năm 2022 cho thấy, chỉ có 11% doanh nghiệp hiểu rõ các yêu cầu của CBAM. Còn có tới 53% doanh nghiệp hoàn toàn chưa biết gì về cơ chế này.
“Những quy định
của thế giới chưa giai đoạn nào chưa đi thẳng vào doanh nghiệp như hiện tại. Nó
rất khác so với đàm phán, cam kết trước đây khi chúng ta có chu trình nội luật
hóa, sau đó mới tác động đến doanh nghiệp”, bà Phạm Thị Ngọc Thúy, Giám đốc Văn
phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, cho hay.
Tuy nhiên, theo
đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam cũng đã có lộ trình riêng, yêu cầu
doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bắt đầu tư năm nay và thực tiễn
này cũng phù hợp với lộ trình của thuế carbon tại EU.
“Đến 2025, chúng
ta sẽ có sàn giao dịch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và đến năm 2028 sẽ
vận hành chính thức. Từ năm 2026 trở đi, các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn sẽ
được phân bổ trần phát thải nhất định”, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Kinh
tế và Thông tin biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi
trường, thông tin.
Dù vậy, một số ý
kiến cho rằng, vẫn chưa thực sự có hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành liên quan
để doanh nghiệp có thể đảm bảo tuân thủ kiểm kê carbon đúng quy định.
Nhận thức và
tuân thủ kiểm kê khí nhà kính là bước đầu tiên để doanh nghiệp có thể xác định
là mình chịu tác động như thế nào từ thuế carbon, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn
đang loay hoay ngay từ bước này. Quan trọng và tốn kém hơn sau khi xác định được
mức độ tác động, doanh nghiệp còn phải có kế hoạch hạn chế phát thải, thậm chí
là trung hòa carbon, từ đó mới xác định lại bài toán kinh doanh và lời lãi của
doanh nghiệp như thế nào. Doanh nghiệp cũng chỉ còn 3 năm để tái cơ cấu, thậm
chí là đầu tư công nghệ mới để thực hiện điều đó, trước khi EU chính thức áp
thuế phát thải.
Song song với sự
chủ động thích ứng của doanh nghiệp, việc sớm xây dựng được thị trường giao dịch
tín chỉ carbon trong nước với một cơ chế định giá carbon tương ứng sẽ là cơ sở
quan trọng để hàng hóa xuất khẩu và EU có thể được miễn trừ CBAM hoặc nếu doanh
nghiệp có thể chứng minh rằng giá carbon đã được thanh toán trong quá trình sản
xuất tại Việt Nam thì số tiền tương ứng này được khấu trừ vào hóa đơn cuối
cùng, tức là lượng tiền này sẽ ở lại Việt Nam thay vì chịu thuế tại EU. CBAM là
cú hích để cuộc đua về 0 của các doanh nghiệp phát thải carbon trong vài năm tới
sẽ càng nóng hơn bao giờ hết.
Theo VTV