Sáng 4/1, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết 259 của Chính phủ ngày 31/12/2024 ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại TPHCM.
Cùng tham
dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ
Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên, Đại tướng Phan Văn
Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công
an; đồng chí Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối
cao; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan
Trung ương, địa phương; đại diện doanh nghiệp, hiệp hội kinh tế, các cơ quan
ngoại giao, tổ chức kinh tế, hiệp hội, nhà đầu tư, chuyên gia quốc tế.
Được áp dụng
cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội
Tại hội
nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Thông báo Kết
luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển
khai kết luận của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập
Ban chỉ đạo về Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, do Thủ tướng
Chính phủ làm Trưởng Ban.
Bí thư
Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu
về sự chuẩn bị của hai thành phố để phát triển trung tâm tài chính, các giải
pháp triển khai kế hoạch hành động và quyết định thành lập ban chỉ đạo của các
thành phố về trung tâm tài chính.
Tiếp đó,
lãnh đạo Bộ Tài chính trình bày đề xuất giải pháp phát triển thị trường vốn tại
trung tâm tài chính, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trình bày về phát triển lĩnh vực
tiền tệ và ngân hàng trong trung tâm tài chính, lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày về
phát triển cơ chế giải quyết tranh chấp cho trung tâm tài chính, lãnh đạo Bộ
Thông tin và Truyền thông trình bày về phát triển hạ tầng số cho trung tâm tài
chính.
Bà
Alexandra Smith, Tổng Lãnh sự Anh tại TPHCM và ông Rich McClellan, Giám đốc Quốc
gia Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) tại Việt Nam cũng chia sẻ về
Trung tâm Tài chính London (Anh) và các hoạt động hợp tác để góp phần phát triển
trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Tại Thông
báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập
trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM và trung tâm tài chính khu vực
tại Đà Nẵng.
Theo Kết
luận của Bộ Chính trị, trung tâm tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù,
vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm
theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm,
không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; kiên quyết từ bỏ tư
duy "không quản được thì cấm".
Về áp dụng
các chính sách xây dựng trung tâm tài chính và lộ trình triển khai, Bộ Chính trị
đồng ý chủ trương từ nay đến năm 2030, ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8
nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và
cần áp dụng ngay. Đồng thời thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các trung
tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với
điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Từ năm
2030 đến năm 2035, tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách
thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện
thực tế Việt Nam.
Lộ trình
khung này mang tính chất định hướng; quá trình thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ
thực hiện nhanh nhất có thể, nếu thời cơ thuận lợi, điều kiện đã chín muồi, thì
có thể làm ngay, nhanh hơn các bước tiếp theo, không chờ theo thứ tự.
Bộ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Kế hoạch hành động của Chính phủ
đã phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 bộ, ngành, và các địa
phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp
lý và chuẩn bị các điều kiện nền tảng phát triển các trung tâm tài chính tại Việt
Nam.
Thủ tướng yêu cầu TPHCM và Đà Nẵng khẩn trương rà soát, đề xuất, xây dựng
các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp; các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đồng
tình, ủng hộ, sát cánh cùng TPHCM và Đà Nẵng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
Các giải
pháp, nhiệm vụ này tập trung vào 5 trọng tâm, gồm:
(i) Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, thúc đẩy xây dựng hệ thống thanh toán, lưu ký và giao dịch tài chính hàng đầu.
(ii) Thu
hút nhân tài quốc tế, tạo cơ chế đãi ngộ, môi trường sống và làm việc hấp dẫn để
thu hút các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới.
(iii) Thúc
đẩy đổi mới tài chính, phát triển các công cụ tài chính mới, như tài chính
xanh, công nghệ tài chính (fintech), và quản lý rủi ro tài chính.
(iv) Mở rộng
hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức tài chính toàn cầu, tham gia các chuẩn
mực tài chính quốc tế.
(v) Bảo vệ
an ninh tài chính, tăng cường giám sát và quản lý rủi ro, đảm bảo ổn định hệ thống
tài chính.
Yêu cầu tất
yếu, khách quan trong giai đoạn phát triển mới
Phát biểu
tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự tham dự đông đảo của
lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu, các chia sẻ, đề xuất và cam kết
cụ thể đều thể hiện quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm, sự chia sẻ, chung sức
đồng lòng với việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Thủ tướng
cho biết, vượt qua những năm tháng bị chiến tranh tàn phá, bao vây, cấm vận,
sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý lịch
sử. Đây là những điểm tựa rất quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ
trong thời gian tới.
Năm 2024,
trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình
kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi rất tích cực, tháng sau cao hơn
tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm 2024 đạt nhiều kết quả nổi bật trên
tất cả các lĩnh vực và tốt hơn năm 2023: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được
kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và có thặng dư cao, nợ
công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước thấp
hơn giới hạn quy định.
Việt Nam
tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong
khu vực và trên thế giới với mức tăng trưởng GDP cả năm khoảng trên 7%. Chính
trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, tăng cường. Đối ngoại
và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên
có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Văn hóa, xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm; kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3; chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội được triển khai tích cực, quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2024 tăng 11 bậc.
Thủ tướng
đánh giá năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm kỷ niệm 95 năm
thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày
sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước. Cùng với đó, sắp xếp bộ máy
"Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"; tổ chức đại hội
Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. 2025 cũng là năm
cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là năm
tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề để có thể tăng trưởng hai con số trong
giai đoạn tới.
Thủ tướng
cho biết, Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn
định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thực hiện tốt
hơn công tác an sinh xã hội, cuộc sống của nhân dân ngày một ấm no hơn.
Để thực hiện
mục tiêu này, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược (thể
chế, hạ tầng và nhân lực), cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng
trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng chống chịu và sức cạnh
tranh của nền kinh tế; khai thác các không gian phát triển mới như không gian
vũ trụ, không gian ngầm, không gian biển.
Cùng với
đó, làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu),
đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế
xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…, đặc
biệt là nghiên cứu, phát triển chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán
đám mây, internet vạn vật là những lĩnh vực mà Việt Nam cần đi tắt đón đầu, đuổi
kịp, tiến cùng và vượt lên.
Đông đảo đại biểu quốc tế dự hội nghị
Về hạ tầng
chiến lược, Thủ tướng chỉ ra một số các mục tiêu cụ thể trong năm 2025, bao gồm
hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc, thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà
Mau; khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị tốt dự án
đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; triển khai các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và
TPHCM, các dự án sân bay, cảng biển lớn…
Thủ tướng
nêu rõ, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nói trên đều cần nguồn vốn lớn
cho phát triển, phải huy động mạnh mẽ cả nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Hiện, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm tỷ trọng từ 33-35% GDP, những năm tới, muốn
đạt tăng trưởng 2 con số thì tỷ trọng này phải tăng lên 40-45% GDP; với nguồn vốn
đầu tư khoảng 4-5 triệu tỷ đồng/năm, đặc biệt là đầu tư cho hạ tầng chiến lược.
Do đó, việc xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại
TPHCM và Đà Nẵng có ý nghĩa rất quan trọng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày về phát triển
lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong trung tâm tài chính
Trả lời
câu hỏi "Việt Nam đủ điều kiện để thành lập trung tâm tài chính quốc tế
chưa", Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang có đủ 5 yếu tố, điều kiện cần
thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung
tâm tài chính quốc tế và khu vực.
Thứ nhất, tổng quy mô GDP năm 2024 khoảng 470 tỷ USD, quy mô nền kinh tế xếp hạng
33-34 thế giới, bình quân GDP đầu người khoảng 4.600 -4.700 USD; với tốc độ
tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua, đồng thời kinh tế vĩ mô ổn định, lạm
phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, Việt Nam đặt mục tiêu tăng
trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, phấn đấu đạt mức 2 con số trong những năm
tới.
Thứ hai, đột phá chiến lược đang đạt được những thành quả rất tích cực theo hướng
thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.
Thứ ba, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2%
so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023, tốc độ tăng trưởng
của thị trường chứng khoán đạt 2 con số, cao nhất khu vực.
Thứ tư, Việt Nam có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, đã ký kết 17 FTA với trên
65 nền kinh tế hàng đầu thế giới; quy mô xuất nhập khẩu khoảng 800 tỷ USD, gấp
khoảng 1,7 lần GDP.
Thứ năm, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cuộc sống thanh
bình, có môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.
Ông Rich McClellan, Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair vì sự thay đổi
toàn cầu (TBI) tại Việt Nam chia sẻ về Trung tâm Tài chính London (Anh) và các
hoạt động hợp tác để góp phần phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Bà Alexandra Smith, Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TPHCM chia sẻ về
Trung tâm Tài chính London và các hoạt động hợp tác để góp phần phát triển
trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam có vị trí chiến lược, vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở khu vực phát triển năng động, sáng tạo hàng đầu thế giới, có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu.
Thủ tướng
đánh giá, việc sớm phát triển trung tâm tài chính và khu vực và quốc tế có 5 ý
nghĩa, tác động tích cực: Giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu;
thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn
lực hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển
kinh tế-xã hội; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả,
theo chuẩn mực quốc tế; tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển.
Việc xây dựng
trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu, khách
quan trong giai đoạn phát triển mới, giai đoạn vươn mình phát triển giàu mạnh,
văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc, Thủ tướng khẳng định.
Đây là việc
mới, việc khó nhưng khó mấy cũng phải làm, Thủ tướng cho rằng cần tham khảo học
tập kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam hóa các tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực
này; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng hiện đại;
nâng cao công nghệ, năng lực quản lý, quản trị thông minh; phát huy sự đồng
lòng, chung sức của các cơ quan, người dân, doanh nghiệp.
Nhấn mạnh
quan điểm coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán kịp thời, đúng lúc, Thủ
tướng đề nghị tất cả các chủ thể liên quan tư tưởng phải thông, quyết tâm phải
cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động phải quyết liệt hơn. Đảng đã chỉ đạo,
Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, bạn bè quốc tế giúp
đỡ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ có bàn làm, không bàn lùi; không nói không, không
nói khó, không nói có mà không làm; vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa rút kinh
nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, làm việc nào dứt việc đó,
làm việc nào ra việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách
nhiệm rõ sản phẩm.
Kế hoạch
hành động của Chính phủ đã giao các nhiệm vụ rất cụ thể, để Chính phủ nhanh
chóng trình Quốc hội các cơ chế, chính sách vào kỳ họp sắp tới, Thủ tướng yêu cầu
TPHCM và Đà Nẵng khẩn trương rà soát, đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách
đặc thù phù hợp; các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đồng tình, ủng hộ, sát cánh
cùng TPHCM và Đà Nẵng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; khẩn trương xây dựng
dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính.
Đối với
các đối tác trong nước và quốc tế, Thủ tướng đề nghị tiếp tục đồng hành cùng
Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển trung tâm tài chính; đề
xuất, tham vấn chính sách dựa trên kinh nghiệm của các trung tâm tài chính quốc
tế đã được thành lập trên thế giới; hỗ trợ thu hút nguồn lực, kết nối các nhà đầu
tư lớn, tiềm năng để tham gia vào trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Thủ tướng
nhấn mạnh, đây không phải việc riêng của 2 thành phố, mà là công việc của toàn
Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người trên cương
vị của mình với tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát
triển.
Theo BCP