Sáng 24/4, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Nội), thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động Phong trào thi đua "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số".
Cùng dự lễ
phát động có các đồng chí: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Chủ tịch
Thường trực Hội đồng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; đại diện các bộ, ngành, cơ quan
Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.
Tại buổi lễ,
đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đại học
Quốc gia Hà Nội và đại diện doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học,
công nghệ, chuyển đổi số đã phát biểu hưởng ứng phong trào; cam kết triển khai
thực hiện hiệu quả các chỉ đạo mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra tại sự kiện
quan trọng này.
Con đường
quan trọng nhất để bứt phá
Thay mặt
lãnh đạo Đảng, Nhà nước tuyên bố phát động Phong trào "Cả nước thi đua đổi
mới sáng tạo, chuyển đổi số", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là một
sự kiện quan trọng ở một thời khắc quan trọng, có ý nghĩa quan trọng với tinh
thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa" của những
ngày tháng Tư lịch sử cách đây 50 năm để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,
nhằm cụ thể hóa và đưa các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số
57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi
số quốc gia vào thực tiễn cuộc sống.
Thủ tướng
nhấn mạnh, trong thế giới ngày nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và
chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu của thời đại
mà còn là con đường quan trọng nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức,
nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, xã hội văn
minh, hiện đại, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.
Thủ tướng trò chuyện với thầy, trò Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn
thông và các đại biểu dự lễ phát động
Nghị quyết
số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới
sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng,
là kim chỉ nam cho phát triển nhanh và bền vững, là lời hiệu triệu mạnh mẽ, kêu
gọi, khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu
đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh,
văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Thủ tướng nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thể chế về
khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tiếp tục được hoàn thiện;
hạ tầng số phát triển mạnh mẽ; kinh tế số có bước phát triển vượt bậc; dữ liệu
số được xây dựng và đẩy mạnh kết nối, khai thác; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc
gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo từng bước phát triển hiệu quả; một số
doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ nguồn;
xếp hạng quốc tế của Việt Nam tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên,
bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, phát triển khoa học, công nghệ, đổi
mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số ở Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn
chế, rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới
sáng tạo, chuyển đổi số; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng
tạo chưa có bước đột phá, thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng
yêu cầu, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là
hạ tầng số còn nhiều hạn chế...
Theo Thủ
tướng, thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp,
khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh, sâu sắc, toàn
diện hơn, nhất là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số trên
tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hầu hết các nước trên thế giới đều đẩy
mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa nền quản
trị quốc gia.
Để thực hiện
thành công 2 mục tiêu chiến lược 100 năm (đến năm 2030 trở thành nước đang phát
triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành
nước phát triển, thu nhập cao), chúng ta cần phát triển, ứng dụng mạnh mẽ khoa
học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo động lực mới,
mở ra không gian phát triển mới cho đất nước. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng
tạo, chuyển đổi số là không có giới hạn, không có biên giới, không phân biệt tuổi
tác, không phân biệt giới tính, không phân biệt tôn giáo.
Trong bối cảnh đó, Phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số" được phát động tại buổi lễ hôm nay và phong trào "Bình dân học vụ số" đã được phát động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với tinh thần "Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất" như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân cả nước tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu chủ yếu sau đây:
Một là, phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh
tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của cả dân tộc, sự tham gia tích cực của
doanh nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học, trí thức, học sinh, sinh viên và toàn
thể nhân dân; phấn đấu đến năm 2030 tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi
mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu
trong các nước có thu nhập trung bình cao. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30%
GDP. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt
trên 80%. Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng
thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến.
Hai là, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển quốc
gia, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị và trong
nhân dân, tự lực tự cường, khai thác tối đa năng lực nội sinh, với quan điểm:
"Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực
chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy,
tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
và chuyển đổi số quốc gia".
Ba là, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản
lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của
doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân. Đến năm 2025, phát triển
Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hoá số đạt mức
cao của thế giới. Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh
không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu số.
Thủ tướng thăm gian trưng bày đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Học
viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Nỗ lực thi
đua thực hiện '3 quyết tâm'
Để đạt được
các nhiệm vụ quan trọng, mục tiêu chủ yếu nêu trên, Thủ tướng đề nghị các cấp,
các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên cả nước nỗ lực thi đua thực hiện
"3 quyết tâm":
Thứ nhất, quyết tâm chính trị, đổi mới tư duy, quyết
liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát
triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Căn cứ
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hoàn thiện thể chế, pháp lý để tháo gỡ
hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo. Phải thực sự vào cuộc, coi
đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; phân công nhiệm vụ theo tinh thần "6
rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ sản phẩm
".
Thứ hai, quyết tâm xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ
mang tính đột phá. Trước mắt, trong năm 2025, đảm bảo 100% thủ tục hành chính
liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, hiệu quả;
100% thủ tục hành chính không bị giới hạn bởi địa giới hành chính cấp tỉnh. Đồng
thời, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có các giải pháp đột phá để thu
hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ là người Việt
Nam và người nước ngoài.
Thứ ba, quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng
khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ
thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước
trên các lĩnh vực, đảm bảo an toàn, an ninh, bí mật, bảo đảm quyền sở hữu trí
tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia; xây dựng và triển khai chương trình phát triển
công dân số.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực tập trung thực
hiện thực hiện "3 sứ mệnh trọng tâm" sau đây:
Một là, xây dựng tầm nhìn, chiến lược lâu dài, bền
vững, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn; có cấu trúc kinh doanh chủ động,
linh hoạt; văn hóa đổi mới mạnh mẽ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát
triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.
Hai là, chuyển từ ứng dụng và làm chủ công nghệ
sang xây dựng năng lực sáng tạo đột phá, tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp
4.0 để "đi tắt, đón đầu" làm chủ tương lai với tinh thần "bắt kịp,
tiến cùng và vượt lên". Đầu tư vào việc nghiên cứu các giải pháp mới thông
minh, công nghệ quản lý; ứng dụng công nghệ số và tự động hóa, tích hợp các
công nghệ như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn vào các sản phẩm
và dịch vụ, gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ba là, cải cách mô hình quản lý đồng thời mở rộng
năng lực áp dụng các công nghệ mới, số hoá và phát triển các sản phẩm, dịch vụ
có tính đột phá để tạo ra sự khác biệt và cạnh tranh trên thị trường.
Thủ tướng thăm gian trưng bày đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của BKAV
Thời gian tới, để thực hiện thành công Phong trào thi đua "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số", Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt người đứng đầu, cần tiên phong trong nâng cao năng lực số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại địa phương và cơ quan mình với tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó", "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người
dân tích cực hưởng ứng Phong trào. Doanh nghiệp công nghệ giữ vai trò dẫn dắt,
tiên phong; chính quyền đồng hành; người dân tích cực hưởng ứng tham gia Phong
trào với phương châm: "Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể,
nguồn lực, động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai
trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học
công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia".
Hội đồng
Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng,
ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào, ban hành các tiêu chí thi
đua phù hợp. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng khích lệ, động viên kịp
thời bằng nhiều hình thức đa dạng đối với các nhà khoa học, nhà sáng chế, các
doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong khoa học, công nghệ, đổi mới
sáng tạo và chuyển đổi số.
Các cơ
quan truyền thông cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nêu gương,
biểu dương gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, tiêu biểu, cách làm
hay, đổi mới sáng tạo, hiệu quả, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy
tích cực đẩy lùi tiêu cực", "tích cực hóa cái tiêu cực" bằng việc
phân tích những khó khăn, thách thức, hạn chế và đề xuất giải pháp.
Đồng thời,
Thủ tướng đề nghị từng người dân Việt Nam cần thi đua tự trau dồi, học hỏi,
không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng số; nếu không thì kinh tế số, xã
hội số không thể phát triển, đất nước không thể phát triển nhanh và bền vững.
Theo Thủ
tướng, nhìn lại lịch sử trong suốt 77 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh
ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (ngày 11/6/1948), tinh thần thi đua đã trở thành
động lực mạnh mẽ, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và huy động hiệu
quả sức mạnh toàn dân tộc. Các phong trào thi đua liên tục được phát động qua
các thời kỳ lịch sử, tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn cả về vật chất lẫn tinh
thần, giúp đất nước vượt qua mọi khó khăn, mọi thử thách và giành được những thắng
lợi vẻ vang.
Với tinh
thần đó, Thủ tướng trân trọng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, các
cơ quan trong cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà khoa học, các tổ
chức, cộng đồng và các cháu học sinh, sinh viên nhiệt tình hưởng ứng và tích cực
tham gia Phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số"
có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
"Với
quyết tâm chính trị cao, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và khát vọng phát triển
mạnh mẽ của dân tộc, chúng ta tin tưởng rằng Phong trào sẽ lan tỏa sâu rộng,
truyền cảm hứng, tạo động lực, tạo khí thế, xu thế mới, sức mạnh mới để đất nước
vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Phong trào "Cả nước
thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số" thành công rực rỡ, tạo ra những
bước đột phá mạnh mẽ, đóng góp thiết thực cho sự phát triển nhanh và bền vững của
đất nước", Thủ tướng phát biểu.
Theo BCP