Chiều 23/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn SYRE (Thụy Điển) dự kiến đầu tư tổ hợp tái chế vải với số vốn khoảng 1 tỷ USD tại Việt Nam và Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Johan Ndisi.
SYRE là
công ty con của Tập đoàn may mặc H&M (thương hiệu thời trang nổi tiếng thế
giới của Thụy Điển) và Công ty Đầu tư công nghệ Vargas (Thụy Điển).
SYRE tạo ra hệ sinh thái dệt may tuần hoàn toàn cầu thông qua các trung tâm tái chế quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và sử dụng năng lượng tái tạo. Mục tiêu của SYRE là xây dựng các tổ hợp tái chế lớn tại các khu vực chiến lược trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
SYRE dự kiến
đầu tư tổ hợp tái chế vải polyester tại Bình Định với công suất thiết kế lên tới
250.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD. Dự án dự kiến đi vào
vận hành vào cuối năm 2028 và hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu
đầu tiên về dệt may tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và
EU, phù hợp định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.
Tại cuộc
tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu
nghị truyền thống tốt đẹp với Thụy Điển. Thủ tướng hoan nghênh Tập đoàn SYRE dự
kiến đầu tư tổ hợp tái chế vải polyester theo hướng sản xuất xanh, sạch, tận dụng
phế liệu liên quan dệt may, góp phần cải thiện môi trường theo tinh thần của
các Hội nghị từ COP26 đến 28.
Thủ tướng hoan nghênh SYRE dự kiến đầu tư tổ hợp tái chế vải polyester theo hướng sản xuất xanh, sạch, tận dụng phế liệu liên quan dệt may, góp phần cải thiện môi trường
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng xanh, xác định đây là một trong những động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững, đạt mức tăng trưởng GDP từ 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm tới. Đồng thời, dự án của SYRE cũng phù hợp với định hướng của Việt Nam Việt Nam trong đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng để thích ứng với những biến động của tình hình.
Thủ tướng
cho biết, Bình Định rất thuận lợi cho dự án của SYRE vì có môi trường đầu tư rất
tốt; là một trung tâm về năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), có hệ thống
hạ tầng đồng bộ, như đường bộ cao tốc, sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, có
môi trường, khí hậu tốt, đề nghị tỉnh và các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với tập
đoàn trong quá trình triển khai dự án.
Trước một
số đề xuất của SYRE liên quan nguồn nguyên vật liệu và cơ chế mua điện trực tiếp
(DPPA), Thủ tướng đề nghị Tập đoàn SYRE khi triển khai dự án sẽ chú trọng sử dụng
các nguyên liệu xanh trong nước như sợi sen, sợi đay…, cũng như nghiên cứu sử dụng
vải vụn và quần áo cũ thải bỏ phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam làm nguyên liệu
sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí và thân thiện môi trường.
Thủ tướng
cho biết vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 57/2025/NĐ-CP quy
định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và
khách hàng sử dụng điện lớn; đề nghị Tập đoàn trao đổi cụ thể với Bộ Công
Thương để làm rõ các quy định trên cơ sở đề xuất dự án.
Thủ tướng
giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt
chẽ với Tập đoàn để hướng dẫn quy trình thủ tục; cùng UBND tỉnh Bình Định phối
hợp kịp thời, tiếp nhận xử lý các vướng mắc, khó khăn của Tập đoàn theo quy định
pháp luật.
Lãnh đạo Tập đoàn SYRE cho biết muốn lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu
tư chiến lược do Việt Nam đang phát triển mạnh về năng lượng xanh, cũng có
ngành dệt may mạnh
Về phần
mình, Chủ tịch Susanna Campbell và các lãnh đạo của SYRE chúc mừng những thành
tựu phát triển mà Việt Nam đã đạt được và đánh giá cao quá trình chuyển đổi
xanh của Việt Nam đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, tin tưởng Việt Nam sẽ là một
trong những quốc gia đi đầu toàn cầu về phát triển kinh tế tuần hoàn.
Cảm ơn sự
hỗ trợ tích cực của phía Việt Nam trong quá trình đề xuất triển khai dự án,
phía SYRE cho biết muốn lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư chiến lược do Việt
Nam đang phát triển mạnh về năng lượng xanh, cũng có ngành dệt may mạnh. SYRE
cam kết sử dụng nhiều nhất nguyên liệu từ Việt Nam, tăng cường chuỗi cung ứng
và sản xuất tại Việt Nam.
Đại sứ Thụy
Điển khẳng định, với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, các doanh nghiệp
Thụy Điển mong muốn hợp tác, đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam; Thụy Điển
mong muốn hợp tác với Việt Nam trong chuyển đổi xanh và trở thành Đối tác chiến
lược toàn diện của Việt Nam về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi
số.
Theo BCP