Ngày 26/6,
tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên thảo
luận với GS. Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới
(WEF) và khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF.
Các ý kiến
đánh giá cao tốc độ tăng trưởng, phát triển, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày
càng được cải thiện của Việt Nam, đặc biệt là kinh tế số năm 2023 đã chiếm khoảng
16% GDP. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng bày tỏ quan tâm, đặt các câu hỏi về một số
vấn đề như hoàn thiện các quy định, chính sách liên quan kinh tế số, chuyển đổi
xanh, bảo đảm cung ứng điện, chuyển đổi năng lượng, chính sách ưu đãi với các
lĩnh vực công nghệ cao…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước lãnh đạo các tập đoàn của WEF
(Ảnh: TTXVN)
Chia sẻ về
vấn đề này, Thủ tướng cho biết năm 2023, Việt Nam có thiếu điện cục bộ tại một
số thời điểm, nhưng tình hình này đã được khắc phục năm nay.
Sản lượng
điện tiêu thụ tại Việt Nam năm nay dự báo tăng tới 15%. Trong đó, sản lượng điện
sinh hoạt, theo EVN, tăng trên 18%, công nghiệp - sản xuất hơn 12%, thương mại
- dịch vụ là 18%. Có những thời điểm, như ngày 14/6, lượng điện tiêu thụ cả nước
vượt 1 tỷ kWh/ngày - mức cao nhất trong lịch sử, song Thủ tướng cho biết, cung ứng
điện vẫn được bảo đảm.
“Việt Nam
sẽ không thiếu điện, với các giải pháp đồng bộ về nguồn, truyền tải, phân phối
và sử dụng điện, cũng như giá hợp lý”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng
cho biết với nỗ lực trong đảm bảo cung ứng điện, trước đây việc đầu tư, thi
công đường dây truyền tải điện 500 kV phải mất 2-4 năm, nhưng nay chỉ trong khoảng
6 tháng. Dự kiến, cuối tháng 6, dự án này sẽ đóng điện, tăng thêm gần 2.500 MW
điện truyền tải điện từ Nam ra Bắc.
Ngoài ra,
Việt Nam cũng nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch khi tiếp tục hoàn thiện
khung chính sách, chuẩn bị ban hành các nghị định về cơ chế mua bán điện trực
tiếp (DPPA), cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự
tiêu. Cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG cũng
sắp được ban hành, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực năng
lượng này.
Bên cạnh
đó, Chính phủ cũng sắp ban hành nghị định liên quan thực hiện thuế tối thiểu
toàn cầu và sửa chính sách ưu đãi đầu tư từ chủ yếu ưu đãi thuế sang tài chính,
chi phí, đất đai... với các dự án ưu tiên.
Thủ tướng
cho biết định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam là ưu tiên các dự án trong lĩnh
vực mới nổi, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và kết nối. Các dự án này sẽ
là động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển
mạnh một số lĩnh vực mới có tính đột phá, chiến lược như bán dẫn và trí tuệ
nhân tạo (AI).
Người đứng
đầu Chính phủ cũng cho biết, Việt Nam đang rất tích cực giảm phát thải trong
nông nghiệp, trong đó có chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải
thấp tại ĐBSCL, đây là dự án đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực này.
Chia sẻ với
các doanh nghiệp nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam ưu
tiên cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2023, GDP
tăng 5,5% và ba tháng đầu năm nay đạt 5,66%. Ước tính, tăng trưởng quý II cao
hơn quý I và xu hướng tăng cao hơn trong nửa cuối năm. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ
nước ngoài thấp hơn nhiều giới hạn cho phép. VND thuộc nhóm tiền tệ mất giá ít
nhất trong khu vực.
Để thực hiện
mục tiêu này, Việt Nam tập trung 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân
lực. Trong đó, xác định thể chế cũng là nguồn lực, động lực cho phát triển. Ông
thông tin Chính phủ sẽ sớm thành lập Ban chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các vướng mắc
về cơ chế, chính sách do chính Thủ tướng đứng đầu, các Bộ trưởng trực tiếp chỉ
đạo rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực phụ trách.
"Việt
Nam tiếp tục chọn ưu tiên tăng trưởng, có chính sách linh hoạt, làm mới các động
lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực mới là kinh tế số,
kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ", ông nói, đồng thời đề nghị các nhà đầu tư
đồng hành cùng Việt Nam trên cơ sở "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng
Phạm Minh Chính cũng đề nghị WEF và các đối tác tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn
nữa với Việt Nam trong tham vấn, góp ý xây dựng, hoạch định các chính sách và tạo
điều kiện để Việt Nam tham gia vào các sáng kiến, hệ sinh thái của Diễn đàn
Kinh tế Thế giới.