Phiên họp tập trung thảo luận về Đề cương Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030 (Đề cương Báo cáo).

Cùng tham dự phiên họp có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, thành viên Tiểu ban.

Dự thảo Đề cương Báo cáo gồm 3 phần: Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030; tổ chức thực hiện.

Trong không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, các thành viên Tiểu ban đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Đề cương Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026 - 2030.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các thành viên Tiểu ban và các đại biểu dự họp; yêu cầu Tổ Biên tập nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Tiểu ban, khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Đề cương chi tiết trước khi trình các cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban nhấn mạnh, nhiệm vụ của Tiểu ban là xây dựng Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2026-2030 trình Đại hội XIV của Đảng; sản phẩm cuối cùng của Tiểu ban là Báo cáo được Đại hội XIV của Đảng thông qua với yêu cầu "Đảng chấp nhận, nhân dân phấn khởi, quốc tế đánh giá cao", tạo được khí thế phấn khởi, huy động được mọi nguồn lực, sức mạnh để đưa đất nước ta tiếp tục tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng đánh giá, dự thảo Đề cương Báo cáo có kết cấu hợp lý, thể hiện rõ tinh thần đổi mới và nêu khá nổi bật những vấn đề cốt lõi; cơ bản nêu được những nét mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Chiến lược 10 năm; những kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức mới, vượt dự báo; xác định nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm; cơ bản dự báo tình hình thời gian tới để trên cơ sở đó đề ra định hướng, quan điểm và nhiệm vụ giải pháp cho giai đoạn tới.

 

Thủ tướng lưu ý, Báo cáo phải dự báo, phân tích, đánh giá sâu hơn, kỹ hơn và bám sát tình hình hơn; phản ứng chính sách phải nhanh, kịp thời hơn

Yêu cầu tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề cương Báo cáo, Thủ tướng nêu rõ, việc đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 cần bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đánh giá khách quan, trung thực, sát thực tiễn, "không tô hồng nhưng cũng không bôi đen", chỉ rõ những khó khăn, thuận lợi, những việc đã làm được, những việc chưa làm được.

Mục tiêu không thay đổi nhưng cần bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp đột phá nào để tạo ra các động lực mới, xung lực mới cho giai đoạn 2026 – 2030 nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Thủ tướng lưu ý cần tìm ra những giải pháp đột phá, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.

 

Các thành viên Tiểu ban đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Đề cương Báo cáo

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, tình hình thay đổi rất nhiều, do đó cần phải thay đổi tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận vấn đề phải sát với tình hình thế giới, trong nước và bám sát các định hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng đề nghị cần phân tích rõ thêm những vấn đề trong giai đoạn 2021 – 2026 qua những số liệu "biết nói", như vấn đề đại dịch COVD-19 và việc khắc phục hậu quả đại dịch; tình hình thế giới phức tạp với nhiều xung đột, chiến tranh ảnh hưởng đến trong nước; kết quả trong phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống cao tốc; việc chuẩn bị nguồn để cải cách tiền lương trong điều kiện khó khăn (đến nay đã trích lập được hơn 600 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 – 2026); đồng thời phân tích các số liệu như quy mô nền kinh tế tăng, giá trị thương hiệu quốc gia tăng, chỉ số phát triển con người tăng, làm tốt công tác an sinh xã hội… để thấy được nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

Thủ tướng lưu ý, Báo cáo phải dự báo, phân tích, đánh giá sâu hơn, kỹ hơn và bám sát tình hình hơn; phản ứng chính sách phải nhanh, kịp thời hơn. Đặc biệt, phải chú ý những nhân tố mới có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong 10 năm tới và hệ quả các cuộc xung đột, cạnh tranh giữa các nước lớn, tác động toàn diện đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề già hóa dân số, chống biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên…

Về quan điểm, mục tiêu phát triển, Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung để vừa có tính khả thi, sát thực tế và có cả tính phấn đấu. Giai đoạn 2026-2030, phát triển kinh tế - xã hội đất nước đòi hỏi phải có tư duy phát triển mới, quan điểm, giải pháp đột phá về tăng cường phân cấp phân quyền, giảm thủ tục hành chính; đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược hiệu quả hơn; có cách thức và cơ chế chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp; phát huy dư địa về kinh tế vĩ mô; tận dụng những lợi thế cạnh tranh; nghiên cứu, chắt lọc những kinh nghiệm hay của thế giới, đồng thời không được lơ là, chủ quan với những thành tựu đạt được mà phải luôn có các phương án dự phòng.

Về một số công việc cần tập trung triển khai sắp tới của Tiểu ban, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thường trực Tổ Biên tập, Tổ Biên tập tiếp tục nghiên cứu sâu các nội dung; theo dõi, bám sát các các chỉ đạo để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề cương chi tiết của Báo cáo kinh tế - xã hội, đồng thời có các phụ lục, các báo cáo chuyên đề về các vấn đề như an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, y tế...

Nhấn mạnh nhiệm vụ của Tiểu ban là rất nặng nề, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu huy động trí tuệ, sức lực của mọi thành viên cho việc xây dựng Đề cương Báo cáo; tin tưởng, với nỗ lực, trí tuệ, kinh nghiệm và tinh thần cầu thị, Tiểu ban sẽ xây dựng Báo cáo với chất lượng cao nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Ban Chấp hành Trung ương giao phó, góp phần vào tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Theo Hà Văn - BCP