Theo đó, phát biểu trước Hạ viện Nga (Duma quốc gia) ngày 19/11, bà
Nabiullina cho hay lạm phát sẽ chậm lại, mặc dù bà không nêu rõ khi nào điều đó
sẽ xảy ra. Kinh tế Nga đang gồng mình trước lạm phát tăng vọt, lên tới 9,8% vào
tháng 9.
"Chúng tôi tin rằng chính sách của chúng tôi sẽ giảm lạm phát xuống
còn 4,5 đến 5% vào năm tới, sau đó ổn định ở mức gần 4%. Khi lạm phát chậm lại,
chúng tôi sẽ xem xét giảm dần lãi suất chủ chốt. Nếu không có cú sốc bên ngoài
nào nữa, việc giảm sẽ bắt đầu vào năm tới", bà Nabiullina cho biết.
Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, hoạt động tín dụng đang chậm
lại do lãi suất cao hơn nhưng một số ngành vẫn tiếp tục vay.
Tác động của lạm phát đang được cảm nhận ở cấp độ cơ sở. Giá các mặt hàng
chủ lực như bơ và khoai tây tăng hơn 25% mỗi mặt hàng trong năm nay.
Tháng trước, để kiềm chế giá cả, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất
chủ chốt lên mức cao kỷ lục là 21%. Đầu tháng này, ngân hàng cho biết họ có thể
tăng lãi suất chủ chốt một lần nữa tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 12.
Chính phủ Nga tiếp tục chi mạnh tay cho quốc phòng. Vào tháng 9, Nga đã
tăng 25% chi tiêu quốc phòng nhà nước năm 2025, lên hơn 145 tỷ USD, thể hiện
quyết tâm tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine.
Nga cũng đang chứng kiến tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động và khủng
hoảng dân số.
"Chúng ta chưa bao giờ có tỷ
lệ thất nghiệp thấp như vậy. Và có rất ít quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp giảm
nhiều như vậy", người đứng
đầu Ngân hàng Trung ương Nga cho biết.
Theo khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nga, 73% doanh nghiệp đang gặp tình
trạng thiếu hụt lao động. Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Liên bang Nga
(Rosstat), tỷ lệ sử dụng công suất tại các nhà máy đã vượt quá 80%, cũng là một
kỷ lục lịch sử.
Bà Nabiullina lưu ý: "Khi nền
kinh tế đạt đến giới hạn khả năng sản xuất nhưng nhu cầu vẫn tiếp tục được kích
thích thì tình trạng đình lạm sẽ xảy ra".
Để tránh rủi ro này, Ngân hàng Trung ương đang tăng lãi suất chủ chốt, bà giải thích: “Ở các quốc gia khác đã trải qua tình trạng đình lạm, đây là kết quả của chính sách tiền tệ nới lỏng một cách vô lý khi cần phải thắt chặt”.
Theo Rosstat, nền kinh tế Nga tiếp tục tăng trưởng, mặc dù tốc độ đang chậm
lại vì các khoản vay trở nên đắt đỏ hơn, các ngành công nghiệp nguyên liệu thô
mất thị trường phương Tây và các nhà máy công nghiệp quốc phòng đạt đến giới hạn
công suất.
Trong quý III, theo ước tính chính thức, GDP của Nga đã tăng 3,1% sau khi
tăng 4,1% trong quý II và 5,4% trong quý I.
Năm tới, theo dự báo của Ngân hàng Trung ương, GDP của Nga sẽ chỉ tăng
0,5-1%, trong khi đầu tư và tốc độ tăng trưởng tiêu dùng tư nhân có thể bằng 0.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Nga sẽ chậm lại gấp ba lần -
từ mức tăng trưởng 3,9% trong năm nay xuống còn 1,3% vào năm tới.
Theo ước tính của IMF, năm tới Nga sẽ tăng trưởng chậm hơn 1/3 so với các
nước phát triển (1,8%) và chậm hơn ba lần so với các nước đang phát triển
(4,2%). Nền kinh tế Nga sẽ tụt hậu so với Trung Quốc, nơi mà quỹ dự đoán mức
tăng trưởng là 4,5%, và chậm hơn Ấn Độ (6,5%).
Đồng thời, đến năm 2029, tốc độ tăng trưởng của Nga sẽ chậm hơn nữa - xuống
còn 1,2% mỗi năm, IMF dự đoán.
Trong khi những tuyên bố của bà Nabiullina trong tuần này cho thấy một sự
thay đổi tích cực sắp xảy ra, các nhà lãnh đạo khác ở Nga lại bày tỏ triển vọng
kinh tế ảm đạm hơn.
Ông Andrei Klepach, nhà kinh tế trưởng tại tổ chức phát triển nhà nước
VEB.RF, dự đoán rằng, trong trường hợp tốt nhất, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm từ
mức ước tính 2,5% xuống còn khoảng 2% vào năm 2025. Ông cũng cho hạ mức tăng
trưởng đầu tư vốn cố định của Nga từ 1,9% xuống 1% do lãi suất chủ chốt của
ngân hàng trung ương đang ở mức quá cao.
Ông Alexander Shokhin, chủ tịch Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân
Nga, cho biết lãi suất cao đang buộc các công ty phải trì hoãn đầu tư.
Business Insider