Tại Bến
Tre, giá dừa và bưởi tăng lên từng ngày. Doanh nghiệp loay hoay tìm nguyên liệu
để đủ nguồn xuất khẩu. Nguy cơ thiếu nguyên liệu xuất khẩu còn kéo dài bởi cây
cối tiếp tục suy kiệt, ngay cả khi nước ngọt đã về đồng bằng.
Loay hoay
tìm nguyên liệu
Vài tháng
nay, Nhà máy đóng gói trái cây xuất khẩu Kim Thanh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến
Tre, phải chủ động “lùng sục” khắp các vùng nguyên liệu nông sản để tìm đủ hàng
cho xuất khẩu. Không chỉ mở rộng thu mua, chấp nhận mọi giá để có hàng, mà
doanh nghiệp còn phải tận dụng mọi thời điểm để vận chuyển, sơ chế, đảm bảo chất
lượng sản phẩm tốt nhất xuất đi, khi thời gian làm hàng thường bị kéo dài hơn
so với trước đây.
Việc giá
nguyên liệu xuất khẩu liên tục biến động, khiến cho các đơn vị thu mua “chóng mặt”,
xoay mọi cách mới gom đủ đơn hàng xuất khẩu. Nỗi lo lắng của doanh nghiệp không
phải là giá nguyên liệu cao, mà là sự gia tăng đột biến của thị trường, khiến họ
dễ bị hụt hàng, thiếu hàng, hoặc thua lỗ vì hợp đồng đã chốt giá.
Ông Nguyễn
Đình Toàn, Giám đốc Nhà máy Kim Thanh, Bến Tre cho hay, vào thời điểm cùng kỳ
năm trước, mỗi ngày, nhà máy đóng gói đơn hàng 1 container/ngày, nhưng năm nay,
1 tuần đến 10 ngày mới được 1 container, nguồn nguyên liệu đang thiếu rất trầm
trọng, giá tăng lên từ 60 - 70% so với năm ngoái. Cùng với đó việc giao thương
với bà con cũng gặp khó khăn. Ông Toàn lý giải, nhà máy chốt giá thu mua với
người dân, tuy nhiên khi có thương lái khác nâng giá người dân không bán sản phẩm
cho nhà máy. Do đó, nhà máy không chủ động nguyên liệu sản xuất. Mặt khác, việc
thương lái đẩy giá làm cho chất lượng sản phẩm giảm đi, trái cây chưa đủ độ
ngon để thu hoạch, nhưng thương lái bất chấp thu mua, điều này sẽ làm thương hiệu
trái cây Việt Nam bị ảnh hưởng.
Ông Đàm
Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây cho biết, doanh nghiệp
đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu bưởi da xanh để xuất khẩu, thiếu hụt 30 - 40%
sản lượng cung cấp cho các đơn hàng đã đặt trước đó. Giá bưởi hiện tại đã tăng
so với trước (40.000 - 42.000 đồng/kg bưởi loại 1, loại 2) nhưng vẫn không có
hàng để mua. Ông Hưng nhận định, do ảnh hưởng hạn mặn nên sản lượng giảm, có thể
đến tháng 8/2024 mới đủ sản lượng trở lại. Ông Hưng chia sẻ, hiện doanh nghiệp
đã ký kết hợp tác với hơn 400 ha sản xuất bưởi của nông dân, do đó sản lượng chỉ
đủ duy trì để doanh nghiệp cung cấp cho các đơn hàng đã đặt trước.
Ông Nguyễn
Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T Group (Tp. Hồ Chí Minh) cho hay,
với những khó khăn về bài toán nguồn nguyên liệu mà phải đảm bảo tiêu chuẩn chất
lượng xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ không cạnh tranh bằng cách lấy sản phẩm ngoài
vùng liên kết hoặc sản phẩm kém chất lượng, cạnh tranh với các nhà cung cấp
khác để giành giật hàng. Thay vào đó doanh nghiệp sẽ đàm phán với khách hàng để
chậm giao đơn hàng lại.
Đảm bảo
nguồn cung nông sản xuất khẩu
Trước tình
trạng khô hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long làm giảm 30 - 50% nguồn cung xuất
khẩu nhiều mặt hàng nông sản, trái cây trọng điểm, các doanh nghiệp và địa
phương, người dân đã tìm nhiều cách để ứng. Trước mắt, các doanh nghiệp sẽ tích
cực đàm phán với nhà nhập khẩu để chủ động thời gian làm hàng. Về lâu dài, các
doanh nghiệp sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, nông dân, xây dựng
các vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ nông dân đảm bảo hiệu quả sản xuất ngay cả
trong giai đoạn thời tiết bất lợi.
Theo bà
Nguyễn Thị Thảo Nguyên, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, vào mùa hạn
mặn để đảm bảo cho 5.000 m2 đất chuyên trồng bưởi da xanh. Bà Nguyên tích trữ
nguồn nước ngọt để tưới cho cây và tăng lượng phân hữu cơ, ủ lá cây đắp xung
quanh gốc cho mát gốc, giữ độ ẩm cho đất. Vào thời điểm hạn mặn cũng là mùa nghịch
vụ, nên bà Nguyên xử lý cho cây nuôi trái với sản lượng vừa phải, vừa đảm bảo
cho cây vượt qua được mùa hạn mặn, vừa có trái để bán, vì thời điểm hiện tại
giá bán tăng, giúp người dân nâng cao nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, bà Nguyên hiện
tham gia hợp tác xã, liên kết tiêu thụ với công ty để ổn định về đầu ra, giúp
nông sản tiêu thụ được thuận lợi.
Để những
vùng nguyên liệu trọng điểm phát triển hiệu quả, các địa phương tỉnh Bến Tre đã
tích cực triển khai biện pháp công trình chủ động ứng phó ngăn mặn, trữ ngọt,
điều tiết thủy lợi đủ nước cung ứng cho sản xuất. Các nhà vườn cũng chủ động
đào ao trữ nước, ứng dụng các biện pháp tưới tiết kiệm để làm mát cho cây.
Ông Nguyễn
Anh Quốc, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, hạn
chế ảnh hưởng hạn mặn đến hoạt động sản xuất, ngành chức năng địa phương khuyến
cáo nông dân dành 10 - 20% diện tích để đào ao trải bạt, xử lý trữ ngọt, ngoài
ra tưới tiết kiệm, dùng các biện pháp xử lý sinh học phun qua lá để cây khỏe mạnh,
có năng suất, chất lượng, đảm bảo mùa vụ sản xuất. Bên cạnh đó, khuyến cáo sản
xuất rải vụ, những vùng điều kiện không tốt thì không sản xuất lúc cho ra hoa
ra trái tập trung vào hạn mặn mà xử lý nghịch sau đó để đảm bảo nguồn nguyên liệu
cung ứng cho doanh nghiệp quanh năm.
Theo ông
Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến
Tre, nông sản thường gắn liền với mùa vụ. Khi thời tiết ngày càng cực đoan do
biến đổi khí hậu, tình trạng khan hàng, sốt giá càng là nỗi lo thường trực của
doanh nghiệp xuất khẩu. Để hạn chế những rủi ro này về lâu dài, thì liên kết sản
xuất giữa doanh nghiệp và vùng nguyên liệu càng cần phải được chú trọng. Không
chỉ liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, mà doanh nghiệp còn xắn tay, cùng nông
dân tăng cường kỹ thuật, hiệu quả canh tác, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu
thị trường.
Cùng với
đó, để xuất khẩu hiệu quả, vấn đề không
chỉ là sản lượng, mà chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí của nhà nhập
khẩu, vì vậy phải có sự chuẩn bị tốt, đầu tiên là tính đến khâu tổ chức sản xuất,
người dân doanh nghiệp liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường. Hiện tỉnh
Bến Tre đang tập trung, kêu gọi hướng dẫn người dân làm theo chuỗi giá trị sản
phẩm, xây dựng mã số vùng trồng, liên kết doanh nghiệp. Qua đó, đảm bảo nguồn
cung nông sản xuất khẩu, nhất là sản phẩm trái cây đặc sản riêng có của tỉnh Bến
Tre.
Nông sản,
đặc biệt là trái cây, đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu điểm sáng, khi
thu về 1,8 tỷ USD chỉ trong 4 tháng đầu năm. Cửa vẫn rộng cho nông sản Việt tiến
vào khai thác các thị trường tiềm năng mới, nếu các vùng nguyên liệu giải quyết
được bài toán tổ chức sản xuất, gia tăng liên kết và ổn định chất lượng sản phẩm
xuất khẩu.
TTXVN