Báo cáo của
Bộ Công thương cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, thị trường các mặt hàng thiết yếu
không có biến động bất thường. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá
nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ… nhưng cơ bản, cung cầu
các mặt hàng được bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Đáng chú
ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính
tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung
4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%), nếu loại trừ
yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%); trong đó doanh thu dịch vụ
lưu trú, ăn uống tăng 25,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 109,4%. Nếu so với
so với 4 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, tổng mức bán
lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7%.
Theo Bộ
Công Thương, trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển mạnh thị trường trong
nước làm trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn, trong đó tiếp tục thực
hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm
phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Nguyễn
Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương cho hay,
trong Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương thể
hiện rõ, mục tiêu tốc độ tăng trưởng lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng từ
13-15%/năm là hoàn toàn khả thi, con số này đã được duy trì trong suốt những
năm qua. Thị trường 100 triệu dân nhu cầu tiêu dùng tăng rất nhanh là thị trường
nhiều tiềm năng.
Về mặt cơ
chế cũng như bản thân doanh nghiệp đã có chiến lược thúc đẩy sản xuất, kinh
doanh các mặt hàng phù hợp với thị trường nội địa. Muốn xuất khẩu ổn định bền vững
thị trường nội địa cần được coi là nền tảng. Bởi lẽ, một mặt thị trường nội địa
là kết nối mở rộng với xuất khẩu; mặt khác thị trường nội địa tạo ra sức ép cạnh
tranh sòng phẳng giữa hàng hoá xuất khẩu và hàng hoá trên thị trường nội địa.
“Vì vậy,
trong quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương cần tập trung phát triển hơn nữa hạ
tầng thương mại nhằm một mặt gắn kết, tạo nền tảng bền vững cho phát triển đẩy
mạnh thương mại nội địa đang phát triển rất nhanh hiện nay, đồng thời thúc đẩy
xuất khẩu bền vững trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Hội nêu giải pháp.
Theo HQO