Trong văn bản báo cáo Chính phủ quý III/2023, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tinh giản bộ máy, tái cơ cấu tài sản để bổ sung dòng tiền nhằm cải thiện tối đa kết quả kinh doanh. Phấn đấu mục tiêu giảm lỗ công ty mẹ và kết quả hợp nhất năm 2023 xuống còn 5.000 - 6.000 tỷ đồng, đây là mức lỗ thấp nhất sau 3 năm Covid -19, bằng 60% mức lỗ năm 2022.

9 tháng năm 2023, Vietnam Airline lỗ 3.535 tỷ đồng

Trong báo cáo tài chính hợp nhất  mà Vietnam Airlines vừa công bố cho thấy, Tổng Công ty đạt tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 23.753 tỷ đồng, tăng trưởng 11,7% so với quý 3/2022. Đây là quý thứ 8 liên tiếp doanh thu của Vietnam Airlines tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước,.

Sau khi trừ đi giá vốn, Vietnam Airlines ghi nhận lãi gộp 1.240 tỷ đồng trong quý 3/2023, khả quan hơn nhiều so với số lãi 165 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Trong cả ba quý đầu năm nay, Tổng công ty đều có lãi gộp.

Lũy kế 9 tháng, Tổng công ty đạt doanh thu gần 68.100 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt hơn 4.100 tỷ đồng, trái ngược với khoản lỗ gộp 1.798 tỷ của ba quý đầu năm 2022.

Sau khi hạch toán hết các khoản chi phí, Vietnam Airlines lỗ hợp nhất sau thuế 3.535 tỷ đồng trong 9 tháng vừa qua, chỉ bằng gần một nửa so với cùng kỳ. Khoản lỗ của quý 3 cũng giảm 13,5% so với quý 3/2022.

Thị trường "ấm dần" nên Vietnam Airlines bắt đầu có lãi

Báo cáo giải trình của Tổng công ty cho biết lỗ sau thuế hợp nhất quý 3 vừa qua giảm so với cùng kỳ 2022 chủ yếu do giảm lỗ của các đơn vị vận tải (Công ty mẹ Vietnam Airlines và Pacific Airlines), trong khi các công ty con kinh doanh có lãi.

Tổng doanh thu và thu nhập khác quý 3/2023 của công ty mẹ tăng 22,2% so với quý 3/2022 (tăng gần 3.300 tỷ đồng) chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 21,2%, tương đương thêm 2.847 tỷ. Doanh thu quốc tế cải thiện đáng kể nhờ thị trường khu vực Châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt.

Tổng chi phí quý 3/2023 của công ty mẹ tăng 17%, thấp hơn tốc độ tăng của doanh thu. Do vậy, kết quả kinh doanh cuối cùng ghi nhận cải thiện rõ rệt khi công ty mẹ lãi gộp về cung cấp dịch vụ đạt hơn 447,6 tỷ đồng, lỗ sau thuế giảm hơn 449 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Vietnam Airlines cho biết do thị trường vận tải thời gian qua từng bước phục hồi và Tổng công ty chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, giảm thiểu chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ … nên mức lỗ quý 3/2023 đã thấp hơn so với quý 3/2022.

Trong văn bản báo cáo Chính phủ quý III/2023, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) yêu cầu Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) rà soát hoàn thiện phương án tái cơ cấu, bảo đảm hiệu quả, chú trọng tiết giảm chi phí, không để tiếp diễn tình trạng lỗ lớn như năm 2022.

Hiện tại, Vietnam Airlines tạm thời thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán, duy trì hoạt động liên tục trong bối cảnh dòng tiền thâm hụt lớn.

Tuy nhiên, Tổng công ty cần nỗ lực điều hành sản suất kinh doanh linh hoạt theo diễn biến thị trường, tăng cường các giải pháp tăng doanh thu, đàm phán  giảm giá, tiết kiệm, quản trị chi phí, chuyển đổi số, tái cơ cấu tổ chức, tinh giản bộ máy, tái cơ cấu tài sản để bổ sung dòng tiền nhằm cải thiện tối đa kết quả kinh doanh.

"Phấn đấu mục tiêu giảm lỗ công ty mẹ và kết quả hợp nhất năm 2023 xuống còn 5.000 - 6.000 tỷ đồng, đây là mức lỗ thấp nhất sau 3 năm Covid -19, bằng 60% mức lỗ năm 2022", ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nêu rõ.

Gỡ "nút thắt" về cơ chế chuyển nhượng vốn của Vietnam Airlines tại Skypec

Cũng tại văn bản gửi Chính phủ, ông Hồ Sỹ Hùng cũng báo cáo về phương án chuyển nhượng Công ty Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec) từ Vietnam Airlines về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) nhằm hỗ trợ tái cơ cấu Vietnam Airlines và phát triển năng lực hiệu quả của PVN trong chuỗi sản xuất, cung ứng xăng dầu.

Đáng chú ý, Phó chủ tịch CMSC cho biết: Do vướng mắc về pháp lý về chủ trương và cơ chế chuyển nhượng vốn của Vietnam Airlines tại Skypec, nên ngày 19/7/2023, Ủy ban đã có văn bản số 278/UBQLV-CNHT lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, hiện tại chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có ý kiến.

"Sau khi nhận được ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban sẽ hoàn thiện và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét theo thẩm quyền để tháo gỡ các vướng mắc pháp lý khi chuyển nhượng vốn của Vietnam Airlines và tiếp tục triển khai các bước chuyển nhượng vốn tiếp theo", ông Hồ Sỹ Hùng nêu

Được biết, Skypec có vốn điều lệ 800 tỉ đồng, do Vietnam Airlines sở hữu toàn bộ. Skypec cùng Petrolimex Aviation (thuộc Tập đoàn Petrolimex) hiện là 2 nhà cung cấp nhiên liệu hàng không chính tại thị trường trong nước.

Skypec sở hữu hệ thống kho cảng đầu nguồn tại các cảng biển lớn và kho sân bay tại 18 sân bay dân dụng trên toàn quốc, cung cấp nhiên liệu cho tất cả các hãng hàng không trong nước và hơn 100 hãng hàng không nước ngoài tại 18 sân bay dân dụng Việt Nam và 4 sân bay quốc tế lớn của Hàn Quốc, trong đó có nhiều khách hàng lớn như: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Korean Air, All Nippon Airways, Qatar Airways, Cathay Pacific, China Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways,…

Công ty này có khả năng phục vụ trên 214.000 chuyến bay với tổng sản lượng hằng năm đạt trên 2 triệu tấn mỗi năm. Giai đoạn trước dịch, Skypec là một trong những "con gà đẻ trứng vàng" của Vietnam Airlines.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu của Skypec tăng trưởng trên dưới 40% mỗi năm. Skypec ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất vào năm 2019 với doanh thu hơn 29.200 tỉ đồng, lợi nhuận 653 tỉ đồng, chiếm tới 30% tỉ trọng doanh thu của Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 làm tê liệt ngành hàng không, doanh thu và lợi nhuận của cả Vietnam Airlines và Skypec lao đáy trong các năm 2020 - 2022.

NSTT