Cơn “khát” nhân lực sau Tết
Sau Tết
Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thị trường lao động Việt Nam ghi nhận sự bùng nổ nhu cầu
tuyển dụng. Các doanh nghiệp tại nhiều địa phương đẩy mạnh tuyển dụng, tập
trung vào ngành công nghệ, logistics, và kinh tế xanh. Đặc biệt, lĩnh vực IT,
an ninh mạng, và tự động hóa chiếm ưu thế, phản ánh xu hướng chuyển đổi số toàn
cầu.
Theo Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp cả nước giảm còn 2.22% (quý
IV/2024), trong khi thu nhập bình quân tăng 8.6% so với 2023. Sự phục hồi này
cho thấy tín hiệu tích cực từ chính sách kích cầu của Chính phủ và sự linh hoạt
của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động .
Các ngành
nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất hiện nay tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực
sản xuất – chế biến, thương mại – dịch vụ, logistics và công nghệ thông tin. Đặc
biệt, ngành công nghệ số và các vị trí liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) đang
thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp bởi khả năng gia tăng hiệu suất làm việc
và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Một giám đốc
nhân sự doanh nghiệp tại Hải Phòng cho biết, công ty ông nhận thấy, trong giai
đoạn đầu năm, thị trường lao động có xu hướng ổn định nhưng cũng gặp những biến
động do áp lực chuyển đổi số. Vì vậy, công ty đã triển khai các gói phúc lợi hấp
dẫn và chương trình đào tạo chuyên sâu để nâng cao tay nghề, giúp nhân viên
phát triển và đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện đại.
Trong khi
đó, một lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ khác tại Hải Dương cho rằng, với xu hướng
chuyển đổi số đang mạnh mẽ, công ty đang ưu tiên tuyển dụng các vị trí nhân sự
có kỹ năng lập trình, phân tích dữ liệu và ứng dụng công nghệ mới. Để giữ chân
nhân tài, công ty không chỉ cạnh tranh về lương mà còn đầu tư vào đào tạo nội bộ
và các chương trình phát triển kỹ năng mềm, nhằm xây dựng một môi trường làm việc
sáng tạo và linh hoạt
Trên thực
tế, các vị trí như lập trình viên, chuyên viên phân tích dữ liệu, kỹ sư an ninh
mạng, cũng như các chuyên gia AI được dự báo sẽ tiếp tục dẫn đầu về nhu cầu tuyển
dụng trong thời kỳ chuyển đổi số. Báo cáo TopCV chỉ ra 64% doanh nghiệp ưu tiên
tuyển nhân sự có khả năng tích hợp AI vào chiến lược (GENAI).
Ngoài ra,
các ngành sản xuất và logistics cũng đang “khát” những lao động có tay nghề
cao, như kỹ sư tự động hóa, chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng và quản lý chất
lượng. Theo các báo cáo cho thấy, nhu cầu quản lý chuỗi cung ứng tăng 25% so với
2024, đáp ứng yêu cầu tối ưu hóa từ làn sóng thương mại điện tử và FDI. Các
ngành này không chỉ giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn
góp phần đẩy mạnh chuỗi cung ứng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời
kỳ cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Thách thức
từ khoảng trống kỹ năng
Theo một
báo cáo của công ty công nghệ thông tin và kết nối mạng Cisco, chỉ 38% doanh
nghiệp tại Việt Nam sở hữu đủ GPU để phát triển AI, và 39% đảm bảo bảo mật dữ
liệu. Trong khi đó, báo cáo của TopCV nhấn mạnh: “Kỹ năng số không còn là lựa
chọn, mà là yêu cầu sống còn”.
Năm 2025
là cột mốc để Việt Nam đạt mục tiêu nền kinh tế số 20% GDP.
Trên thực
tế, Việt Nam đang đi theo mô hình “Trung Quốc +1”, thu hút FDI nhờ chi phí lao
động cạnh tranh và vị trí địa chính trị. Mô hình này cho phép các tập đoàn đa
quốc gia giảm bớt rủi ro khi phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, và Việt Nam đã
trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ vào chi phí lao động thấp. Sự chuyển dịch sản xuất
sang Việt Nam không chỉ mang lại nguồn vốn FDI dồi dào mà còn giúp gia tăng việc
làm và thúc đẩy công nghiệp hóa.
Tuy nhiên,
nếu chỉ dựa vào chi phí lao động thấp, mô hình này có thể phát triển trong ngắn
hạn nhưng sẽ gặp khó khăn khi thị trường toàn cầu chuyển dịch theo hướng công
nghệ cao và năng suất lao động. Bài học từ Indonesia và Philippines cho thấy,
thiếu đầu tư vào giáo dục và R&D sẽ làm giảm khả năng chuyển đổi sang sản
xuất giá trị gia tăng cao, từ đó cản trở tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Theo các
chuyên gia kinh tế, để không bị mắc kẹt trong vòng xoáy “thâm dụng lao động giá
rẻ”, Việt Nam cần chuyển đổi sang mô hình phát triển dựa trên tri thức và đổi mới
sáng tạo. Việc tăng cường đầu tư vào giáo dục sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực, trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu
của các ngành công nghiệp công nghệ cao, R&D và các lĩnh vực giá trị gia
tăng.
Đây là bước
quan trọng để Việt Nam có thể cạnh tranh trên trường quốc tế khi mà các nước
khác cũng đang nhanh chóng nâng cao trình độ công nghệ của mình.
DĐDN