SkyDrive gần đây đang đẩy nhanh việc phát triển loại phương tiện chạy điện có thể cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng (eVTOL) sau khi Hãng huy động được số tiền đầu tư trị giá 9.6 tỷ yên (khoảng 67 triệu đô la).

Theo thông tin được cung cấp từ SkyDrive, 13 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản bao gồm các tên tuổi lớn như Suzuki Motor, Kintetsu Group Holdings và MUFG Bank. Hãng cho biết thêm, sau khi nhận được khoản tài trợ Hãng sẽ tập trung nhiều hơn vào việc nghiên cứu và phát triển ô tô bay eVTOL và hệ thống điều hành bay đồng thời dành 1 khoản ngân sách cho việc thuê thêm các kỹ sư.

SkyDrive đặt mục tiêu thực hiện các chuyến bay thương mại đầu tiên tại Triển lãm World Expo 2025 ở Osaka

Ngoài những nhà đầu tư lớn kể trên, SkyDrive cũng nhận được các khoản đầu tư từ các công ty bảo hiểm, công ty năng lượng điện và nhà sản xuất phụ tùng ô tô. SkyDrive cho biết họ sẽ có thể hợp tác sâu hơn trong các lĩnh vực như phát triển các sản phẩm bảo hiểm, xây dựng cơ sở sạc và trao đổi các công nghệ kỹ thuật với các đơn vị này.

Giám đốc điều hành của SkyDrive - Tomohiro Fukuzawa vui mừng cho biết: “Sẽ thật tuyệt khi thấy rằng càng có nhiều công ty thiết lập quan hệ đối tác, chúng tôi càng có thể đạt được nhiều thành tựu hơn”.

Ô tô bay eVTOL của SkyDrive đang được Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch xem xét cấp giấy chứng nhận. Công ty đã thực hiện chuyến bay có người lái thành công đầu tiên vào năm 2019, trở thành công ty khởi nghiệp ô tô bay phát triển nhất tại Nhật Bản.

Nếu loại phương tiện giao thông mới này được đưa vào sử dụng trong tương lai sẽ không chỉ giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông mà còn có thể được sử dụng cho các trường hợp khẩn cấp y tế và cứu trợ thiên tai.

Theo chia sẻ của SkyDrive, Hãng hiện cũng đang làm việc với các cơ quan chức năng để thiết lập các tiêu chí đánh giá và kế hoạch chứng nhận cho ngành công nghiệp non trẻ và khá mới mẻ này.

CEO Fukuzawa chia sẻ: “Chúng tôi đang tiến hành thiết lập các tiêu chuẩn nghiêm ngặt tương tự như Cục Hàng không Liên bang ở Mỹ và Cơ quan An toàn Hàng không của Liên minh Châu Âu”

Nếu thành công tại World Expo 2025 ở Osaka, SkyDrive sẽ mở rộng ra nước ngoài, với hy vọng thương mại hóa phương tiện này ở Ấn Độ vào tháng 3 năm 2027 khi Công ty nhận thấy nhu cầu ở Ấn Độ là tương đối cao do các thành phố của quốc gia này nổi tiếng với tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Để đạt được mục tiêu này, Hãng khởi nghiệp đã hợp tác với Suzuki Motor – công ty có thị trường chính là Ấn Độ. Hai bên sẽ xem xét hợp tác nghiên cứu và xây dựng khả năng sản xuất hàng loạt. CEO Fukuzawa cho biết dự định thiết lập 1 cơ sở kinh doanh với mục đích nghiên cứu và dự báo quy mô của thị trường ô tô bay điện. CEO Fukuzawa nói: “Cũng có khả năng sản xuất máy bay ở Ấn Độ trong tương lai”.

Mặc dù Fukuzawa không đề cập đến các quốc gia cụ thể, nhưng vị CEO cho biết rằng công ty đang tiến hành nghiên cứu sơ bộ về việc mở rộng sang cả thị trường Đông Nam Á.

Mặc dù hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ, chưa có quy định về ô tô bay, nhưng eVTOL của SkyDrive sẽ được xây dựng để đáp ứng các tiêu chuẩn phù hợp với các tiêu chuẩn ở Mỹ và châu Âu.

SkyDrive hiện cũng đối mặt với sự cạnh tranh từ cả thị trường trong nước lẫn quốc tế. Chẳng hạn như Volocopter của Đức đang có kế hoạch xây dựng từ 4 đến 6 cơ sở tại Singapore vào năm 2030 và có khả năng sẽ phát triển một tuyến đường dành cho khách du lịch kết nối với Malaysia và Indonesia. Trong khi các nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản cũng có ý tưởng tương tự. Honda Motor đang đặt mục tiêu thương mại hóa một chiếc ô tô bay vào những năm 2030, còn Toyota Motor đã đầu tư 394 triệu USD vào Joby Aviation – công ty có trụ sở tại Mỹ.


Một chiếc taxi bay do Volocopter phát triển

CEO Fukuzawa thừa nhận rằng cạnh tranh toàn cầu đang gia tăng, nhưng lạc quan cho biết thiết kế nhỏ gọn, dễ điều động sẽ là những lợi thế của SkyDrive.